Chủ đề : Nói đến của cải và điều kiện vào Nước Trời
Chủ đích : Bài này có thể nhắm hai điều :
- Thái độ phải có đối với của cải khi đứng trước Nước Thiên Chúa
- Phải theo Chúa Giêsu : vì loài người không thể nào tự cứu được mình, cho nên chỉ có thể trông cậy vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến.
II. Bố cục
- cc. 17-22 : Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có. Qua cuộc gặp gỡ này thánh sử Mc cho chúng ta thấy một người giàu nhận ra rằng mình không tự vào Nước Thiên Chúa được.
- cc. 23-27 : Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ. Các môn đệ cảm thức nổi bất lực của con người : không ai tự cứu được, nhưng Chúa Giêsu cho biết Thiên Chúa có thể cứu con người.
- cc. 28-30 : Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ. Nếu bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu thì chẳng những có sự sống đời đời khi thời đã đến mà còn có mọi sự ngay từ đời này.
III. Phân tích
- Chúa Giêsu giúp thanh niên giàu có nhận ra nỗi bất lực của mình (cc. 17-22)
a/ Người chạy lại quì xuống bái lạy Chúa Giêsu là ai ?
Người này giữ luật từ nhỏ điều ấy có nghĩa là gì ? Là người Do thái công chính. Xét về mặt tôn giáo, người này được trọng vọng.
Người này giàu có thì được gì ? xét về mặt xã hội thì được kính nể (xã hội nào cũng vậy). Riêng với xã hội Do thái thì đây là người được chúc phúc (Cựu ước), vì của cải là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc phúc và cũng là điều kiện cần thiết để vuông tròn lề luật.
Người này lại có lòng khao khát sự sống đời đời làm cơ nghiệp.
b/ Chúa Giêsu giúp người giàu có nhận ra mình và nỗi bất lực của mình như thế nào ?
Lạ lùng là Đức Giêsu không cổ võ cách sống của anh mà bảo anh về, Người lại bảo anh tự giải thoát khỏi mọi của cải và đến đi theo Người. Người chỉ cho anh thấy một lối sống hoàn toàn mới: anh phải đi theo Người mãi mãi, lắng nghe lời Người, nhìn xem các công việc Người làm, có đầy Thần Khí của Người, ở lại mãi mãi với Người, chia sẻ lối sống của Người. Sự hiệp thông liên tục với Người đưa anh đến chỗ hiểu thế giới và đời sống của Đức Giêsu và chuẩn bị cho anh đi vào trong cuộc sống đời đời, nghĩa là cuộc sống trong Nước Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Đòi hỏi của Chúa Giêsu đặt anh trước một sự lựa chọn giữa của cải đời này và kho tàng trên trời, giữa tiền của và theo Chúa. Nhờ trắc nghiệm này, anh mới nhận ra anh bị của cải xiềng xích như thế nào ? Anh bất lực ra sao ? Anh không lựa chọn nổi. Của cải chọn anh chứ anh không thể chọn của cải. Anh không tự do thì làm sao theo Chúa Giêsu được. Ý thức được sự bất lực của mình và tình trạng nô lệ của mình, chắc chắn anh phải nhận ra ngay lề luật mà anh đã giữ từ bé không giải phóng được anh, của cải mà anh cũng như đồng bào anh vẫn tôn trọng như dấu hiệu của lời chúc phúc, chẳng những không cứu được anh mà còn xiềng xích anh lại.
- Con người bất lực không tự cứu được mình, chỉ có Thiên Chúa mới cứu được con người mà thôi (cc. 23-27)
a/ Chúa Giêsu đã làm cho các môn đồ cảm thức nỗi bất lực của con người trong việc tự cứu như thế nào ?
Từ một người giàu có không vào nước Thiên Chúa nổi, Chúa Giêsu mở rộng để khẳng định những người giàu rất khó vào nước Thiên Chúa để rồi đưa đến chỗ quả quyết, những người giàu có không thể vào nước Thiên Chúa được. Khẳng định của Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến chỗ nhận ra nỗi bất lực của con người : ai còn có thể được cứu ?
b/ Các môn đệ cảm thức thế nào ?
Khi nghe Chúa Giêsu khẳng định « Người giàu có khó vào nước Thiên Chúa biết bao » thì các môn đệ « ngẩn người » ra. Tại sao ngẩn người ra ? không hiểu hay khó hiểu ? Người Do thái xưa coi giàu có thịnh vượng là dấu chỉ phúc lành Thiên Chúa, tài sản là một điều kiện cần thiết để hành động theo chiều hướng lề luật, thế mà Chúa Giêsu quả quyết ngược lại. Sau đó Ngài còn quả quyết : « Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được nước Thiên Chúa ». Do đó, các môn đệ hết sức kinh ngạc đến nỗi phải thốt lên « thế thì ai còn có thể được cứu ? ». Chính lúc ấy, Chúa Giêsu lại đưa họ vào một niềm hy vọng rất lớn : con người không cứu được mình, thì Thiên Chúa cứu được.
- Theo Chúa Giêsu thì sẽ được cứu (cc. 28-30)
a/ Sau khi quả quyết không ai tự cứu được mình, chỉ có Thiên Chúa mới cứu được họ thôi, Mc lại giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng có thể cứu được những người theo Ngài. Đức Giêsu cho thấy là người ta có thể đạt được sự sống đời đời nếu liên kết với bản thân Ngài. Người nào siêu thoát với những liên hệ của cải và với gia đình mình mà gắn bó với Đức Giêsu, thì sẽ thấy mở ra trước mắt một chân trời rộng lớn hơn. Đồng thời người ấy đang ở trên con đường chắc chắn đưa tới sự sống đời đời. Đức Giêsu cho thấy Ngài là trung gian để con người có thể đạt đến sự sống ấy.
b/ Đây có phải là lời mời gọi theo Chúa Giêsu không ?
Mọi người đều được mời gọi bước theo Đức Giêsu, vì Người và vì Tin Mừng, trước tất cả mọi sự, thậm chí trước chính bản thân mình và sự trọng kính của người đương thời (x. 8,34-38). Tính mới mẻ triệt để của lời Đức Giêsu kêu gọi đi theo Người không hệ tại lời mời từ bỏ, nhưng hệ tại khả năng kết dệt một liên hệ mới. Ta chỉ có thể đạt tới sự sống đời đời nhờ đức tin, nhờ liên kết vô điều kiện và đầy tin tưởng vào Người. Nhờ hiệp thông với Đức Giêsu và với gia đình Người, ta nhận được sự sống đời đời như một ân huệ. Dây liên kết với Đức Giêsu không bị hủy diệt bởi cái chết.
Suy thêm
1. Hình ảnh người giàu bị vướng của cải có nói gì với bạn không ? Bạn có bị vướng một cái gì trên bước đường theo Chúa hay không ? Nếu không thì tại sao bạn chưa nên giống Chúa là bao nhiêu, chưa gắn bó với Chúa là bao nhiêu ? Vậy thì phải chăng bạn có một điều gì đó đang cản bạn mà bạn không nhận ra ? Hãy xin với Chúa Giêsu giúp bạn nhận ra như xưa Chúa đã cho người giàu nhận ra được chính mình.
2. Lời mời gọi bước theo Đức Giêsu vang lên trong lòng bạn thế nào ? Và bạn phải đáp trả ra sao ?
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét