Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

13 tháng 10, 2012

Gia nghiệp

(Chúa nhật XXVIII TN, năm B) Theo nghĩa cơ bản nhất, gia nghiệp là tài sản của gia đình – còn gọi là gia sản. Khi nói đến gia nghiệp, người ta thường liên tưởng ngay tới vật chất. Gia nghiệp rất quan trọng đối với mỗi gia đình. Đó là lẽ tất nhiên. Nhưng có một loại gia nghiệp quan trọng hơn: Thiên Chúa. Phần gia nghiệp này cực kỳ quan trọng. Chính Thiên Chúa đã nói với ông A-ha-ron: “Đất chia cho chúng, ngươi sẽ không có phần; ngươi không có gia nghiệp ở giữa chúng, và chính Ta là gia nghiệp của ngươi giữa con cái Ít-ra-en” (Ds 18:20).

Chúa Giêsu đã có lần nhắc nhở: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6:19-20). Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Kho tàng ở đâu, thì lòng ở đó” (Mt 6:21). Rất thực tế. Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Quả thật, vật chất có sức mạnh khó cưỡng lại, người ta thường gọi đó là “ma lực”.

Vì thế, ai cũng phải cẩn trọng. Muốn vậy, phải nhờ Đức Khôn Ngoan. Điều này liên quan Chúa Thánh Thần, vì ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ngôi Ba.

CẦN THIẾT KHÔN NGOAN

Tác giả sách Khôn Ngoan cho biết: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất” (Kn 7:7-9). Tác giả so sánh để chúng ta thấu hiểu Đức Khôn Ngoan rất quan trọng, hơn cả mọi thứ trên trần gian này. Quả thật, “tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2).

Tác giả sách Khôn Ngoan nói thêm với chiều sâu hơn: “Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể” (Kn 7:10-11). Thật lạ cái “khoảng” trong mối tương quan rất lạ giữa có-mà-không và không-mà-có.

Thật là khôn ngoan khi tác giả Thánh vịnh cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90:12), và tiếp tục thân thưa: “Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây” (Tv 90:13). Tất cả là hồng ân Chúa ban, dù chúng ta có được khôn ngoan tới mức nào hoặc tài năng xuất chúng mà không được Thiên Chúa thương xót thì cũng vô ích. Quả thật, Lòng Chúa Thương Xót luôn cần thiết cho bất kỳ ai, và Lòng Chúa Thương Xót ấy đã có từ thuở hồng hoang, vẫn trải từ đời nọ đến đời kia (x. Lc 1:46-55).

Cầu nguyện không chỉ để xin những ơn này ơn nọ, mà còn phải biết chúc tụng Chúa, tạ ơn Chúa. Tác giả Thánh vịnh tiếp tục khôn ngoan khi cầu nguyện: “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu” (Tv 90:14-15). Ước gì mỗi chúng ta cũng biết ước nguyện như tác giả Thánh vịnh: “Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài. Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (Tv 90:16-17).

Tín thác vào Chúa quan phòng, chắc chắn chúng ta sẽ được ơn khôn ngoan đích thực.

KHÔN NGOAN ĐỂ SỐNG

Thánh Phaolô xác định: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12). Thật vậy, Lời Chúa có lúc làm chúng ta vui mừng phấn khởi, nhưng có lúc Lời Chúa lại khiến chúng ta hổ thẹn, đau buốt. Lời Chúa là tấm gương phản chiếu mọi thứ và là đèn soi thấu mọi nơi khuất tịch nhất của lòng con người. Thánh Phaolô giải thích rõ: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:13).

Rất nhiều điều chúng ta thiếu sót, ngay cả người công chính cũng lầm lỗi mỗi ngày bảy lần, vì thế chúng ta có rất nhiều điều phải “trả lẽ” trước mặt Chúa, thậm chí có thể phải trả lẽ với Chúa về chính những gì mà chúng ta cho là “việc đạo đức” hoặc “việc tông đồ”, vì có thể chỉ là “cái vỏ bề ngoài”! Chúng ta có thể che giấu với người đời, nhưng không thể giấu được với Thiên Chúa, vì Ngài “ghi hình” và “ghi âm” chính xác từng chi tiết nhỏ của mỗi động thái nơi chúng ta, dù chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Do đó, chúng ta càng cần phải khôn ngoan mà sống!

Thánh sử Mác-cô kể rằng, hôm đó, Đức Giêsu vừa lên đường thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10:17). Chàng thanh niên này thật là khôn ngoan. Thấy lạ, Đức Giêsu hỏi lại: “Sao anh nói tôi là nhân lành?” (Mc 10:18a). Rồi Ngài nói tiếp: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18b). Và Ngài giải thích: “Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:18b-19). Anh ta nói rất tự tin: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Hay quá! Tốt quá! Tuyệt quá! Thế nên Đức Giêsu “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21a). Rồi Ngài bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21b).

Mệt Chúa quá! Khó quá! Căng quá! Mà “căng” thật, vì vừa nghe lời đó, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10:22). Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23). Nghe Ngài nói thế, các môn đệ sững sờ và ngây ngô “như chú Tàu nghe kèn”. Nhưng Ngài lại nói tiếp: “Các anh ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10:23-24). Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và xầm xì với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10:26). Khó thật!

Chúng ta đừng vội trách chàng thanh niên “đại gia” kia. Tài sản của gia đình thì đã rõ. Tài sản của cá nhân cũng không khó hiểu. Nhưng có thể chúng ta “quên” loại tài sản “quan trọng” hơn. Rất có thể chúng ta nghèo vật chất nhưng “tài sản riêng” của chúng ta vẫn có thể thuộc loại “nứt đố, đổ vách”, vẫn “giàu sụ”, vẫn thuộc hàng “đại gia”. Đó là tính kiêu ngạo, lòng ghen ghét, sự thù hận, tính ích kỷ, thói gièm pha, thói xu nịnh, sự nhẫn tâm, sự vô tình, tính nhỏ mọn, lòng tự ái, óc bè phái, tính tham lam, thói lọc lừa, áp bức, lộng hành,… Và còn rất nhiều thứ khác nữa… Đó là loại “tài sản vô giá” mà chúng ta không muốn bỏ để có thể thanh thản bước theo Chúa. Gay quá!

Đức Giêsu biết các đệ tử đang xào xáo điều gì nên Ngài nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Ông Phêrô lên tiếng thưa Ngài: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10:28).

Thánh tông đồ trưởng đã “đặt vấn đề” rất thực tế với Sư phụ. Chúng ta cũng có lúc đã từng như vậy! Nghe Phêrô hỏi, Đức Giêsu đáp ngay: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10:29-30).

Hãy lưu ý “điều kiện” trong câu nói của Chúa: “Được gấp trăm” nhưng kèm theo “cùng với sự ngược đãi”. Vấn đề là ở chỗ đó. Chỉ chú ý vế 1 mà “quên” vế 2 là sai lầm to. Phàm điều gì cũng có “điều kiện tự nhiên” kèm theo như điều kiện “ắt có và đủ” vậy: Có đau khổ mới hiểu được giá trị của hạnh phúc, có nước mắt mới quý trọng tiếng cười, có thất bại mới vui sướng khi thành công!

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan và giúp chúng con sống hết mình vì Chúa trong mọi hoàn cảnh, để chúng con có thể an tâm vui sống vì có chính Ngài làm gia nghiệp vĩnh cửu. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét