Một buổi tối nọ, người ta vừa mang một bà lão vào căn nhà Tình Thương dành cho những người hấp hối do các chị nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa chăm sóc, … Mẹ Têrêsa thành Calcutta tiến lại gần. Mình bà lão phủ những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêsa chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương nầy đang hấp hối… có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén xúp nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Trước nghĩa cử của Mẹ Têrêsa, người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ bằng một giọng thều thào: “Tại sao bà lại làm như thế?”
Mẹ Têrêsa trả lời: “Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”.
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất tận đáy lòng đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- "Ôi, bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!"
Mẹ Têrêsa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng :
- Tôi rất yêu mến bà,
- Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà!. Mẹ lập lại với sự trìu mến…
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêsa và kéo về phía mình, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời nầy với tất cả niềm hạnh phúc tràn trề …
Mẹ Têrêsa sống tình yêu, trao ban tình yêu cho những người bất hạnh nhất như lệnh truyền của Chúa Giêsu : Yêu thương anh chị em chung quanh như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Người môn đệ sống và đi trong yêu thương như lời Chúa Giêsu truyền. Khi người ta hỏi cha Abbé Pierre - người được người Pháp yêu mến nhất (cha giúp đỡ anh em bất hạnh đầu đường xó chợ có công ăn việc làm để mưu sinh): nếu mai đây Ngài mất đi, người ta nên ghi lại điều gì về cuộc đời Ngài. Cha trả lời liền không ngần ngại: “Xin đề trên mộ tôi câu nầy: nơi đây yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương”.
Mục sư Martin Luther King người đã xả thân tranh đấu cho dân da đen được bình đẳng như người da trắng tại Hoa Kỳ, được giải thưởng Nobel hòa bình. Cũng vì tinh thần dấn thân vì quyền lợi của người da đen mà ông đã bị ám sát. Trong quyển nhật ký của Luther King đã viết những dòng sau đây: “Tôi rất hãnh diện, nếu ngày tôi qua đời ai đó sẽ kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống và yêu thương.”
Mẹ Têrêsa, Cha Pierre, mục sư Martin Luther King đã sống yêu thương, được nuôi dưỡng bởi tình yêu như lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những ai bước đi theo Ngài: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15, 9c). Dịch sát theo nguyên tự Hy lạp là: "hãy ở trong tình yêu vốn thuộc về Thầy" (xe lu Abel, Gl:ammaire du treo biblique 33r Rem.I) nghĩa là "trong tình yêu Thầy dành cho anh em". Yêu Ngài, gắn bó với Ngài thúc đẩy theo mệnh lệnh của Ngài thực thi điều răn quan trọng nhất: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Tình yêu xuất phát từ nguồn - Thiên Chúa Cha như Thánh Gioan sau này đã định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu"(1 Ga 4, 16a), một tình yêu vô tận và không ngừng trao ban:
- Từ Chúa Cha qua Chúa Con như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: như " Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào" (Ga 15, 9a). Đức Giêsu nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3,35; 5,20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17; 17,5)
- Rồi từ Chúa Con – Đức Giêsu đến môn đệ, như Ngài khẳng định: "Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" (Ga 15, 9b). Người môn sinh khám phá và chiêm nghiệm: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15, 9c).
- Chính vì xuất phát nguồn từ nơi Thiên Chúa đến với nhau rồi lan ra giữa các môn đệ với nhau theo tiêu chuẩn mô phạm tình yêu của Thầy: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15, 12). Ở lại trong tình yêu và trung tín với lệnh truyền yêu thương của Người, môn sinh sẽ được "tràn đầy niềm vui” vì " ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở
trong người ấy"(1 Ga 4, 16b).
trong người ấy"(1 Ga 4, 16b).
Từ ngữ trung tâm của lời Chúa truyền là "tình yêu" (tiếng Hy lạp: agape), và tình yêu cũng là từ chìa khoá của chuyển động tuần hoàn vòng tròn . Tác giả A.Marchadour đưa ra một nhận xét: “Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em” (Tin Mừng theo thánh Gioan Centurion, trang 202).
Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:
- Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,8.11). Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta”(1Ga 3,16), yêu như thầy: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thuơng các con”. Yêu tận cùng bằng hy sinh bản thân và cho đến chết.
- Yêu đến tận cùng như Chúa Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”(Ga 15,13). Ngài đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ như các tông đồ xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Thánh Gioan diễn giải “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Bằng việc làm cụ thể, đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết.
- Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm như Chúa Giêsu truyền là: “Nếu như các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn giải: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”(1Ga 3,16-17).
Như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15, 9), đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại và nhân loại trao cho nhau như Chúa Giêsu truyền, cho nên R.Tagore nói :
”Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu”
Vâng, tôi và bạn cùng tiến bước vào thế giới mang tâm tình:
“Chúng ta được đặt để vào trong trái đất này một không gian nhỏ bé, để chúng ta có thể học hỏi được việc mang lại những tia sáng của tình yêu” (William Blake).
, Sài Gòn 12/05/2012
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét