Trong chương 14 và 15, Phúc âm Gio-an lập đi lập lại, không dưới bảy lần, điều răn hay lệnh truyền của Người (14: 15.21.25; 15: 10a.10b.11.12.17). Cho tới nay tôi vẫn thường được nghe giải thích một cách dễ dãi: ‘điều răn của Chúa’ đương nhiên phải là mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu luật điều Giáo Hội. Cách giải thích này xem ra không ổn, vì căn cứ theo mạch văn của đoạn Tin Mừng Gio-an, đức Giê-su hình như đang đề cập tới thứ điều răn nào đó có nội dung rất khác với thập giới của Cựu Ước hay sáu ‘qui định’ của Hội Thánh. Điều răn này phải có tầm quan trọng lớn lắm, vì là điều kiện thiết yếu để chính đức Giê-su gắn kết được với Cha Người, cũng như để người môn đệ ở lại trong tình thương của Thầy mình. “…Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Nếu vậy, cụ thể điều răn đó có nội dung gì?
Thú thực cho tới giờ này tôi vẫn chưa tìm được câu giải thích thỏa đáng cho một vấn nạn nhỏ: tại sao khi đề cập tới điều răn cách chung chung (14: 15.21; 15: 10a.10b.11) tác giả Gio-an luôn sử dụng số nhiều ‘các điều răn’, nhưng khi nói cụ thể thì chỉ là một duy nhất ‘Đây là điều răn của Thầy… Điều Thầy truyền dạy anh em là…’ (15: 12.17)? Phải chăng, đối với các môn đệ có truyền thống Do Thái, giới răn nói chung (thập giới) luôn là số nhiều (trừ khi nói về từng giới luật một)? Ngay cả khi phải tóm gọn các giới răn đó lại, đức Giê-su vẫn còn xác định hai điều căn bản: mến Chúa và yêu người (Mt. 22, 36-40). Có tác giả thì cho rằng: đức Giê-su sử dụng từ ‘các giới răn’ đồng nghĩa với ‘các lời’ Thầy nói với anh em’ (14,23) . Tuy nhiên khi phải xác định rõ nội dung ‘các giới răn của Thầy’ là gì, thì đức Giê-su lại chỉ khảng định có một duy nhất mà thôi: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (c.12)… Điều thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” Tại sao lại chỉ là một mà không phải là hai?
Nếu Cựu ước coi việc ‘ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn’ là quan trọng hơn cả, thì ‘điều răn của Thầy’ lại không hề đề cập tới điều này. Tôi thiết nghĩ, đức Giê-su nắm rất rõ bản tính con người: yêu mến hết lòng là điều hầu như không ai làm được. Yêu mến là do Thiên Chúa tình yêu chủ động. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Điều Người yêu cầu Ki-tô hữu làm lại khá thụ động, “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Nhận biết Thiên Chúa yêu thương là tất cả đối với niềm tin người tín hữu. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. ‘Ở lại trong tình thương của Thầy’ là điều bất cứ tín hữu nào cũng có thể làm được, cho dầu tội lỗi nhất . ‘Ở lại’ này không đòi phải cảm thấy mình có cháy lửa yêu mến Chúa hay không, hoặc tới mức độ nào. ‘Ở lại’ chỉ để giữ cho được điều răn duy nhất là ‘yêu thương nhau’. Đúng vậy, ta chỉ có thể ‘yêu thương nhau’ nếu nắm bắt được ‘Thầy đã yêu thương’ như thế nào. Đồng thời phải chăng đó cũng là thứ hoa trái Chúa muốn chúng ta sinh nhiều và tồn tại mãi?
À, thì ra thế! Lúc đầu khi tôi đọc cuốn sách ‘Be My Light’ viết về Mẹ Tê-rê-xa Can-cut-ta gần 50 năm sống trong tăm tối thiêng liêng, hầu như mất đức tin, vậy mà Mẹ vẫn lao mình vào các việc bác ái không mỏi mệt, tôi cho là quá nghịch lý. Sự thể đã rõ ràng: đơn giản là Mẹ đã liên tục ‘ở lại trong tình thương của Thầy’. Và nếu hoa trái nơi Mẹ chưa phải là ‘yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’, thì nó đã là ‘yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương’… Đó chính là ‘điều răn’ duy nhất của Thầy mà Mẹ đã nắm giữ, ‘để Mẹ ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của Mẹ tồn tại’.
Lạy Thầy Giê-su từ nhân, ‘điều răn của Thầy’ thật quá đơn giản. Chính bản thân con cũng đã từng nghiệm thấy ‘yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’ khó quá, ít ai đạt được. Thầy chỉ tha thiết đòi con ‘ở lại trong tình thương của Thầy’ kể cả khi yếu đuối tội lỗi nhất. Con xin Thầy cho con sớm đạt được hoa trái ‘yêu thương nhau’, nhờ liên tục trầm mình trong ‘như Thầy đã yêu’. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét