Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

28 tháng 5, 2012

THÁNH THẦN – HƠI THỞ CỦA TÌNH YÊU

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

Hơi thở luôn là biểu lộ dấu hiệu của cuộc sống: Hơi thở còn chúng ta còn tồn tại. Không còn hơi thở, cuộc sống chúng ta mất.
Hơi thở quan trọng cho con người vì nuôi sống cơ thể bằng dưỡng khí của Trời đất, Hơi thở gắn bó chặt chẽ với nhịp điệu sinh hoạt thân xác và tinh thần của chúng ta. Khi lo lắng, sợ sệt, hơi thở trở nên nặng nề,khó chịu. Khi ta giận dữ, nóng nảy, hơi thở ta gấp gáp, mệt nhọc... Và hơi thở thật nhẹ nhàng, khoan khoái khi chúng ta thanh thản, bình an.
Hơi thở có thể giữ được tâm trạng bình thản: Khi chúng ta lo lắng, sợ hãi,  cần giữ hơi thở cho đều đặn, tâm hồn chúng ta sẽ trở lại bình an, thanh thản. Khi nóng giận, tức tối,  chúng ta cần giữ hơi thở nhẹ nhàng, đều đặn, sẽ lấy lại được sự an bình trong tâm.
Các tù nhân đi trại cải tạo về chia sẻ lại, nhà tù kín mít chỉ có chiếc ô thông gió nhỏ xíu, nhưng đó là nơi các anh em tù nhân thay phiên nhau cố gắng lại gần để hít thở... Lúc được ra ngoài lao động là lúc cố gắng thở bù... Nhờ vậy anh em mới giữ được cái tâm bình an và thân xác khỏe mạnh. Trong những điều kiện khó khăn về hít khí trời, chúng ta mới cảm nghiệm được sự cần thiết của không khí trong lành...
Hơi thở là hình ảnh nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô phục sinh - “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.  Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23).
Hơi thở là biểu tượng của Thánh Thần hay Thần Khí, chỉ Ngôi thứ ba của Thiên Chúa. Từ “thần khí” trong tiếng Hippri là “ruah” nghĩa là gió, hơi thở hay sự chuyển động của không khí, xuất hiện hơn 90 lần trong bản văn Kinh thánh bằng tiếng Hippri. Đó là nguyên lý của sự sống và sức mạnh và qua Thánh Thần, Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh và ý chí của Ngài. Ngay phần đầu của sách Sáng thế, nhờ “Thần Khí của Chúa,” Thiên Chúa bắt đầu công cuộc sáng tạo: "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước" (St 1, 1-2)
Thần Khí được nói đến bằng hình ảnh của Gió: Người như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại (x. Ga 3, 8). Ngoài hình ảnh khí, gió, ngoài ra hình ảnh của Chúa Thánh Thần được nhắc tới là nước, Lửa và Bồ câu.
Nước được trình bày biểu tượng của Thánh Thần như Chúa Giêsu nói với Nicodemo: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5). Đức Giêsu gặp gỡ người đàn bà Samaria, Ngài mô tả Thánh Thần như “nước hằng sống” làm vọt lên trong mỗi người ân sủng của đời sống vĩnh cửu (x. Ga 4, 14).  Chúa Thánh Thần cũng được nói đến qua hình ảnh của Lửa như Sách Tông Đồ Công Vụ đã kể về ngày lễ Hiện xuống: “Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2, 3-4. Chúa Thánh Thần cũng lấy hình Chim Bồ Câu xuống trên Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa tại sông Giodan: “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” (Lc 3, 22).
Chúa Kitô phục sinh tỏ hiện vinh quang Ngài tại nhà Tiệc ly, cửa đã đóng kín, người đứng giữa “thổi hơi vào” (enephysêsen) các môn đệ. Làn hơi của Đức Giêsu chính là Thánh Thần; Động từ “thổi hơi vào” (emphysian) ở Ga 20,22 đã được dùng tại Sách Sáng thế Ký  2,7 LXX : Thiên Chúa thổi hơi mang sức sống vào Ađam để nguyên tổ có sức sống, như thế Thần Khí là sức sống của con người. Trên thập giá, Đức Giêsu đã “trao Thần Khí” (paredôken to pneuma;) Người đã trao ban Thánh Thần cho những người đứng dưới chân thập giá, đặc biệt cho thân mẫu Người. Các nhà giải thích Kinh Thánh nhấn mạnh rằng Thần Khí ban cho Đức Maria là tượng trưng Hội Thánh hoặc Dân mới của Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến, tượng trưng các Kitô hữu (Theo giải thích của Cha FX.Vũ Phan Long).
Chúa thổi hơi ban Thần Khí để rửa sạch các môn đệ khỏi tội lỗi và làm cho họ thành một cuộc tạo dựng mới. Ân ban Thần Khí khai mạc sứ mạng của các môn đệ: Trong nhà Tiệc ly môn đệ họp lại voi Mẹ Maria vào ngày lễ Ngũ Tuần. Bỗng có tiếng từ trời gió thổi, ào ào khắp nhà các đấng đang họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tỏa ra đổ trên đầu từng người một và tất cả đều được tràn đầy Thánh Linh: Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Với ân ban của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ trở nên nhiệt thành can đảm đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa nơi các dân tộc, tiếp nối sứ mạng ra đi rao giảng mà Chúa Giêsu đã truyền trước khi về Trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”( Mt 28, 19-20 ). Ở cùng với các ông qua sự hiện diện và tác động của Thần Khí mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Thần Khí được Đức Giêsu phục sinh trao ban cho các môn đệ là Thần Khí xuống đã đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu (x. Ga 1,32-33).
 Khi còn ở trần thế Đức Giêsu đã nói đến Thần Khí sự thật, Đấng ở lại (menei) với các môn đệ (Ga 14,17) như Ngài đã ở lại (emeinen) trên Đức Giêsu (Ga 1,32). Ngài là Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ để thay thế sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Ngài bảo đảm cho họ sẽ không mồ côi (Ga 14, 15 - 18; 16, 7-8). Các môn đệ tin vào Chúa Giêsu, nên được đón nhận Ngài (Ga 7,39; 14,12-14). Còn thế gian không thể nhận lấy Đấng Phù Trợ vì họ không tin vào Chúa Giêsu.,
Kể từ khi khai sinh trong Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, Giáo hội của Đức Kitô luôn đứng vững và phát triển dưới sự hướng dẫn, tác động của Chúa Thánh Thần như lời Chúa Giêsu truyền: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”(Cv 1,8).
Đấng đó sẽ thúc đẩy và soi sáng các môn đệ hiểu sâu sắc giáo huấn của Chúa Kitô như Ngài đã giải thích: Thánh Thần sẽ dạy dỗ các môn đệ mọi điều và nhắc nhở cho họ những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy cho họ (x. Ga 14, 26). Thánh Thần vừa nghe vừa loan báo những điều giấu kín, và Ngài là trung gian truyền tải sứ điệp của Thiên Chúa: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (Ga 16,13).
Chúa Thánh Thần soi sáng trí lòng, sưởi ấm tâm hồn, thúc giục chúng ta làm điều lành, tránh điều xấu, điều dữ như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Ngay khi được rửa tội, Thánh Thần triển khai các hành động của Người như một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả. Thánh Thomas Tiến sĩ nhấn mạnh rằng: “Chúa Thánh Thần được trao ban đến để cư ngụ trong chúng ta và làm cho chúng ta nên mới”.
Thật thế, mới về tinh thần, mới về cách cư xử với nhau, mới về cách chứng nhân như Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gal 5, 22).
Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Ðến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.
Xin Thần Khí ở cùng chúng ta luôn mãi...
"Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước"
                                                                                                 (Gal 5, 25).
                                                                               Lm. Vinh Sơn, Sài gòn 26/05/2012

Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét