Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

4 tháng 5, 2012

Thầy Là Cây Nho Thật

 
Thầy Là Cây Nho Thật Thầy Là Cây Nho Thật
Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 15,1-8) nói với chúng ta về căn tính và tình trạng của cộng đoàn các đồ đệ Đức Giêsu giữa thế giới. Với biến cố phục sinh của Chúa Kitô, giữa lòng thế giới bắt đầu tồn tại một nhân loại mới. Điểm cốt yếu trong sự tồn tại của cộng đồng nhân loại mới đó là sự tham dự thiết thân vào sự sống của chính Đức Giêsu.


Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c.1). Cây nho vốn là hình ảnh biểu tượng của Israel trong tư cách là dân của Thiên Chúa (Tv 80,9.15-16; Is 5,1.7; Gr 2,21; Ed 19,10-12; Hs 10,1; 14,8...). Bây giờ Đức Giêsu khẳng định một cách rõ ràng rằng Người mới là cây nho thật. Lời khẳng định này, như thế, đối ngược với các bản văn Cựu Ước. Chính Đức Giêsu mới là cây nho thật, mới làm nên dân thật sự của Thiên Chúa. Đó là dân được tạo bởi bản thân Đức Giêsu và những ai gắn bó với Người như cành nho gắn liền với thân cây nho. Không có dân nào khác mà là dân thật sự của Thiên Chúa nữa, ngoài cộng đoàn được thành lập bởi chính Đức Giêsu và các môn đệ của Người, như cây nho và cành nho.
Và cũng như trong Cựu Ước, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, chính là người trồng cây nho này. Người chăm sóc cây nho tay Người đã vun trồng, bằng cách yêu thương nó với tình yêu vô biên của Người. Trong tình yêu thương và sự chăm sóc của Thiên Chúa, các cành nho sẽ được cắt tỉa và thậm chí là chặt bỏ đi, tùy vào khả năng sinh hoa trái của các cành đó.

 
Đức Giêsu không thành lập một pháo đài khép kín, mà là một cộng đoàn sống động và luôn luôn phát triển, như cây nho lớn mãi và sinh hoa trái không ngừng. Mỗi cành nho đều phải sinh hoa kết trái, tức là mỗi thành phần trong cộng đoàn đều phải lớn lên và đều có sứ mạng mà họ phải thực hiện một cách có hiệu năng. Đức Giêsu không ngần ngại cảnh báo nghiêm khắc: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Chúa Cha chặt đi” (c.2a).
 
Sự sống đích thực được thông ban từ Đức Giêsu sẽ làm cho mỗi thành phần trong cộng đoàn tăng trưởng và sinh hoa trái cứu độ. Sự kiện một cành nào đó không lớn lên và không sinh hoa trái là dấu chỉ cho thấy cành ấy không ứng đáp với sự sống mà Người hằng thông ban dư tràn cho nó; đó là cành nho hoang, không thuộc về cây nho thật. Thiên Chúa, Đấng trồng và chăm sóc cây nho thật, sẽ chặt bỏ cành đó. Cần chú ý: Đức Giêsu không loại trừ bất cứ ai (6,37), huống nữa là giữa những cành nho đối với nhau. Trong cộng đoàn môn đệ, không ai được loại trừ người khác. Chính Thiên Chúa sẽ thực hiện việc loại trừ những cành nho không sinh hoa trái, vì chỉ có Người mới là người trồng nho và mới biết rõ tình trạng thật của mỗi cành nho.
 
Bên cạnh việc “chặt đi” là việc cắt tỉa. Đức Giêsu nói:“Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (c.2b). Sinh hoa trái là thực thi đức ái cứu độ. Mà bất cứ ai thực thi đức ái cứu độ thì đều phải đi vào một tiến trình phát triển, một tiến trình lớn lên không ngừng, và đều phải không ngừng cộng tác với sự cắt tỉa của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Hạt lúa được gieo vào lòng đất phải chịu mục nát đi thì mới sinh được nhiều hạt khác (12,24). Người đàn bà phải trải qua những tháng ngày mang nặng đẻ đau để sinh ra một sinh linh mới (16,21). Cũng vậy, mỗi cành nho đều phải được Thiên Chúa cắt tỉa thì mới sinh được nhiều hoa trái. Cành nho phải từ bỏ việc làm thỏa mãn những chương trình và ý thích riêng của mình, phải dám chết đi đối với chính mình và để cho mình được cắt tỉa, thì mới sinh nhiều hoa trái được.
 
Điều đáng chú ý là sự cắt tỉa được nói đến ở đây không phải là sự cắt tỉa để được sáp nhập vào với cây nho, mà là sự cắt tỉa để sinh hoa kết trái. Bởi lẽ các môn đệ đã thuộc về Đức Giêsu rồi, như lời Người nói với họ: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (c.3).
 
Khi người đồ đệ chấp nhận lời của Đức Giêsu và ở lại trong lời đó, hoàn toàn tách mình khỏi trật tự bất chính thế gian, và hơn nữa, quyết định thực thi sứ điệp của Đức Giêsu, thì người đó được lời của Chúa làm cho nên thanh sạch. Đây là sự thanh sạch của việc tách mình khỏi thế gian, tức là khỏi tội lỗi, đồng thời là sự thanh sạch bởi sự chọn lựa sống cho tình yêu và sứ điệp mà Chúa Giêsu đem đến. Như thế, người đồ đệ, nhờ lời Đức Giêsu, đã trở nên cành nho có thể sinh hoa trái.
Nhưng cũng như trong trình thuật về việc Đức Giêsu rửa chân cho các đồ đệ (13,1tt), đây mới chỉ là sự thanh sạch khởi đầu, và thật ra, chưa đủ để họ “được chung phần với Thầy”. Bên cạnh sự thanh sạch khởi đầu nhờ việc đón nhận lời của Chúa, cần có một sự thanh sạch thứ hai nữa, sự thanh sạch của cành nho được cắt tỉa. Đây là sự thanh sạch được thực hiện bởi Chúa Cha và làm cho người môn đệ Chúa Kitô sinh hoa trái. 

 
Về phần mình, các đồ đệ phải luôn luôn gắn liền với Đức Giêsu thì mới có thể sinh hoa trái của đức ái cứu độ. Đức Giêsu ân cần đưa ra lời mời gọi: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”(c.4). Cành nho không có sự sống tự mình, và do đó, không thể tự mình sinh hoa kết trái. Nó cần được luôn luôn gắn liền với cây nho. Nó phải được liên tục làm mới bằng sự sống mà nó đón nhận từ cây nho. Cũng vậy, người đồ đệ phải luôn luôn ở lại trong Đức Giêsu và lãnh nhận Thánh Thần từ Người để có thể thực hiện đức ái Tin Mừng. Cắt đứt tương quan với Đức Giêsu là tự loại mình ra bên ngoài và tự cắt đứt với nguồn mạch sự sống đích thực. Hậu quả chắc chắn của tình trạng đó sẽ là sự cằn cỗi, không thể sinh hoa kết trái.
 
Lý do của tình trạng đó thì thật đơn giản. Đức Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (c.5a). Người lặp lại lời khẳng định đã được nói ở đầu bài Tin Mừng (c.1), nhưng trong một viễn tượng khác. Quả thực, nếu ở câu 1, lời khẳng định “Thầy là cây nho thật” được đặt trong liên hệ với Chúa Cha, thì ở đây, lời khẳng định đó được đặt trong liên hệ với các đồ đệ. Giữa Đức Giêsu và các đồ đệ có một sự nối kết thâm sâu: chính sự sống của Người đang là sự sống của các đồ đệ. Vì thế, Người nói tiếp: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (cc.5b-6).
 
Hình ảnh “cành nho gắn liền với cây nho” được miêu tả bằng mệnh đề “kẻ ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy”. Nhưng thế nào là “ở lại” trong Đức Giêsu? Thật ra, chính Đức Giêsu đã từng diễn tả thực tại đó bằng một lời khá rõ ràng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (6,56). Sự “ở lại trong Đức Giêsu” cốt thiết là ở chỗ để cho mầu nhiệm của cuộc sống và sự chết của Người được thực hiện nơi mình, là ăn thịt và uống máu Người, tức là đón nhận sự sống của Người, chứ không chỉ là chuyện của ý chí. Bản văn rõ ràng ám chỉ đến Thánh Thể, là mầu nhiệm diễn tả tình yêu thẳm sâu của Đức Giêsu. Như thế, ở lại trong Đức Giêsu cũng chính là để cho tình yêu phục vụ của Người trở thành hiện thực nơi mình. Kết quả của sự “ở lại trong Thầy” sẽ là các đồ đệ sinh nhiều hoa trái.
 
Kết quả thứ hai của sự “ở lại trong Thầy” là sự hiệu lực của lời cầu nguyện được dâng lên nhân danh Thầy: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (cc.7-8). Điều này giả thiết một thực tại: Đức Giêsu không còn hiện diện hữu hình giữa các đồ đệ nữa. Nhưng sự ra đi của Người không có nghĩa là Người bỏ rơi các đồ đệ. Người vẫn ứng đáp với sự gắn bó và tin tưởng của các đồ đệ, bằng cách hoàn toàn liên kết với họ trong các hoạt động của họ, và là liên kết một cách không giới hạn (“bất cứ anh em muốn gì”). Điều kiện duy nhất được đưa ra là: “Anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em”. Sự hiệp thông của các đồ đệ với Đức Giêsu được diễn tả trong hai khía cạnh không thể tách biệt nhau: gắn bó với bản thân Người (“ở lại trong Thầy”) và với sứ điệp của Người (“lời Thầy ở trong anh em”).
 
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về Hội Thánh Chúa Kitô trong tương quan với Chúa Cha, với Đức Giêsu và với lời của Người. Với Thiên Chúa Cha, Hội Thánh trong Chúa Kitô là dân Thiên Chúa, là cây nho đích thực do chính tay Chúa Cha vun trồng và chăm sóc, cắt tỉa. Với Đức Giêsu, Hội Thánh ở lại trong Người, gắn bó với Người, sống và phát triển nhờ sự sống của Người. Hội Thánh ở lại trong Chúa Kitô và lời Chúa Kitô ở lại trong Hội Thánh, nhờ đó, Hội Thánh hoàn thành sứ mạng của mình là sinh nhiều hoa trái cứu độ. Vấn đề cốt yếu vẫn luôn là sự gắn bó với Chúa Kitô và lời của Người.
 
Hội Thánh không chỉ được hiểu theo nghĩa là cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô ở cấp độ thế giới, nhưng còn là giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn, và ngay cả gia đình, tức là Hội Thánh tại gia. Những thực tại đó phải là cộng đồng nhân loại mới của Thiên Chúa trong Đức Kitô Phục Sinh. Điểm cốt yếu trong sự tồn tại của cộng đồng nhân loại mới đó không hệ tại một thể chế hoàn hảo, mà hoàn toàn tùy thuộc việc tham dự thiết thân vào sự sống của Chúa Giêsu, và vì thế, vào sức mạnh của Thánh Thần được Chúa Phục Sinh thông ban.
 
Trong Hội Thánh, mỗi người là cành nho thuộc về cây nho thật là chính Chúa Giêsu. Mỗi cành nho đều có sứ mạng sinh hoa kết trái; nếu không thực hiện được sứ mạng đó, cành nho sẽ bị chặt đi và quăng ra ngoài. Điều kiện căn bản để cành nho sinh hoa kết trái là “ở lại trong Chúa Giêsu”: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”(c.4).
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét