Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

17 tháng 5, 2012

KHÔNG AI VÔ TỘI

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17 đó là bức tranh "Ba cây thập giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa hai cây thập giá của kẻ bất lương, là thập giá của Đức Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ.

Dưới chân cây thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét.  Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Đức Giêsu.
Nhìn kỹ giữa đám đông đằng đằng sát khí, người ta thấy có một gương mặt quen quen, đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt.

*************************
Nhà danh họa muốn nói cho chúng ta rằng, không một ai vô tội trước cái chết của con Thiên Chúa.  Nghe và suy niệm bài Thương khó trong ngày Lễ Lá, chúng ta thấy bóng dáng mình trong những nhân vật đã tham dự vaò việc đóng đinh Chúa.
Chúng ta có thể là Giuda bán Chúa, khi đang tâm dứt bỏ tình nghĩa thầy trò, để chạy theo lợi lộc trần gian.  Chúng ta có thể là các môn đệ bỏ Thầy mà trốn đi hết, khi gặp cơn gian nan khốn khó, vội vàng buông xuôi bỏ cuộc, nhanh chóng đánh mất niềm tin.  Chúng ta có thể là Phêrô chối Chúa, khi nhát đảm sợ sệt không dám bênh vực đạo thánh.  Thậm chí chẳng dám biểu lộ niềm tin trước mặt mọi người.  Chúng ta có thể là Philatô, làm ngơ cho công lý bị chà đạp, phớt lờ trước nỗi oan ức của những người thấp cổ bé miệng, cô thân cô thế, đói rách bần cùng.  Chúng ta có thể là đám đông gào thét đòi lên án Chúa, khi gắt gao phê bình chỉ trích anh em, nhất là những người có trách nhiệm lãnh đạo dân Chúa.  Chúng ta có thể là đám lý hình hành hạ sỉ nhục, đóng đinh Chúa, khi chúng ta chà đạp lên nhân phẩm của anh em, gây đau khổ cho người xung quanh.
Xin được như Gioan, kiên vững dưới chân thập giá, để trung thành với một tình yêu sắt son cùng Thày Giêsu.  Xin được như Maria can đảm dưới chân thập giá, cùng chịu đau thương nhục nhã với người con yêu.
Nghe xong bài Thương khó, chúng ta mới hiểu rõ Con Thiên Chúa đã gánh chịu mọi khổ đau của thân phận con người.  Bị các môn đệ phản bội, bỏ rơi; bị dân chúng vu khống, chế nhạo; bị các nhà lãnh đạo đối xử bất công; bị quân lính hành hạ cho đớn đau, nhục nhã; bị Chúa Cha như ruồng bỏ trong cô đơn, sợ hãi; và cuối cùng bị lý hình nhạo báng, đóng đinh trên thập giá.
Có một điều là Người đã không oán than, kêu trách; không kêu la, rên siết.  Trái lại, Người đã đón nhận khổ đau với một tình yêu sâu đậm:  Yêu Chúa Cha và yêu nhân loại.  Chính tình yêu này đã biến khổ đau của Người nên nguồn ơn cứu rỗi.
Nếu không một ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa thì mọi khổ đau Người đã gánh chịu là vì mỗi người chúng ta, và cho mỗi người chúng ta.  Thư Do Thái viết:  "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người" (Dt 5, 8-9)
******************************
Lạy Chúa, thường chúng con chỉ đứng xa xa ngưỡng mộ tình yêu cao cả của Chúa, chứ không dám bước theo Ngài trên đường thập giá.  Xin cho chúng con đừng theo Chúa như  người xa lạ, dửng dưng, nhưng biết yêu mến thánh giá Chúa nhiều hơn, và đón nhận thánh giá của mình trong vâng phục và hân hoan.

Tác giả bài viết: Thiên Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét