CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA Suy niệm Tin Mừng Lc 3, 15-16; 21-22
Biến cố Đức Giê-su hòa nhập cùng đám đông dân chúng bước
xuống sông Gióc-đan để được Gio-an rửa, theo nghi thức sám hối đang thịnh hành
thời bấy giờ, đã được cả ba Phúc âm Nhất lãm cùng tường thuật. Chắc chắn sự kiện
này phải có ý nghĩa gì quan trọng lắm, nhất là đối với sứ điệp Người bắt đầu
công khai rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” Tầm quan trọng
này càng được nhấn mạnh hơn khi Chúa Cha đã cho xuất hiện các dấu ấn siêu nhiên
để làm bắng chứng: ‘trời mở ra… Thần Khí ngự xuống… tiếng từ trời phán
rằng:Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra
Con”.
Đối với Gio-an cũng như dân chúng thời đó thì nghi thức
tắm rửa chỉ đơn thuần là một dấu hiệu của thống hối lỗi lầm, của cải tà qui
chính. Đối với người Do Thái nói chung thì việc này không chỉ mang nội dung luân
lý - xã hội mà còn tôn giáo nữa; nó tái lập lòng trung thành với giao ước
Gia-vê. Thế còn đối với Đức Giê-su khi dìm mình trong dòng sông Gióc-đan thì
sao? Với Người, việc này không đơn thuần chỉ là một hành vi tự hạ mà còn hàm
chứa một ý thức gì lớn lao lắm. Sau này chính Ngài đã chất vấn hai môn đệ
Gia-cô-bê và Gio-an “các anh có chịu nổi phép rửa Thầy sắp chịu
không?” (Mc 10, 38)
Phép rửa đối với Đức Giê-su, và cũng đối với tất cả
những ai tin theo Người, trước hết phải là hành vi đón nhận trọn vẹn tình yêu
cứu độ của Thiên Chúa, là đưa lòng thương xót vô biên của Người vào sâu trong
thân phận thấp hèn của con người tội lỗi. Tuy không vướng vòng tội lỗi, nhưng
một khi đã mặc lấy thân phận con người, Đức Giê-su cũng phải thực hiện nơi mình
điều mà chính Người sẽ luôn rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Qua phép rửa tại sông Gióc-đan, Giê-su là con người đầu tiên đã trọn
vẹn ném mình vào lòng thương xót nhân ái của Chúa Cha hầu đón lấy ơn cứu độ.
Phép rửa của Người sẽ đạt tới cao điểm và thể hiện cách hoàn hảo trên thập giá,
lúc mà, trong tư cách người phàm, Người trọn vẹn phó mình cho lòng thương xót từ
bi của Cha, “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc
23,46). Hành vi phó thác này chính là tâm điểm của Tin Mừng, nên nó là hoa quả
tốt đẹp nhất của Thần Khí, ‘Thần Khí ngự xuống’; nó có khả năng mở rộng
cửa trời, ‘Trời mở ra’; và nó biến con người tội lỗi thấp hèn thành
‘con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’. Đức Giê-su Ki-tô,
trưởng tử trong các anh em sống kiếp con người, đã bước xuống dìm mình trong
dòng nước sông Gióc-đan để nói lên sự hoàn toàn chấp nhận lòng nhân ái tha thứ
của Cha
Ki-tô hữu cũng lãnh nhận cùng một phép rửa này ngày họ
lãnh nhận bí tích thánh tẩy. “Phép rửa Thầy sắp chịu anh em cũng sẽ
chịu”. Đó là phép rửa của giao ước mới, được Đức Giê-su - A-đam Mới thể
hiện trước nhất, rồi sau đó bất cứ ai tin và đón nhận Tin Mừng tình yêu đều phải
tự mình thực hiện. Kể từ đây, việc đón nhận Tin Mừng cứu độ sẽ được đồng hóa với
việc lãnh nhận ‘Phép Rửa’ như một biểu tượng bên ngoài: “Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Hành vi ‘thanh tẩy’ từ đó trở
thành một bí tích của giao ước mới do Đức Ki-tô Giê-su thiết lập. Kể từ giây
phút lãnh bí tích ‘Thánh Tẩy’, Ki-tô hữu bắt đầu đi vào giao ước với Thiên Chúa
nhân lành qua việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Và giao ước này
cũng sẽ thành toàn cách trọn vẹn và vĩnh viễn trong cái ngày mà họ, cùng với Đức
Giê-su hấp hối trên thập giá, mở miệng tuyên xưng lần cuối trên trần gian này:
“con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Như vậy biến cố Giê-su chịu phép rửa tại sông Gióc-đan
quả là đáng ghi nhớ như một sự kiện hiển linh vẻ vang nhất, không hiển linh thần
tính với huy hoàng rực rỡ như nhiều người muốn giải thích, mà là trong tư cách
khiêm cung của một người tin và đón nhận ơn cứu độ. Ước gì bí tích rửa tội mà
Ki-tô chúng ta đã lãnh nhận cũng là khởi đầu của việc đón nhận lòng thương xót
vĩ đại, để rồi như Giê-su, chúng ta cũng có thể đưa điều này tới thành toàn
trong giờ phút quyết liệt nhất, giờ phút đi vào vĩnh cửu. Nói như thế thì bí
tích rửa tội và cái chết của mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng được, cùng với Đức
Giê-su Ki-tô, đi vào sự hiển linh này đấy!
Lạy Chúa, xin cho con biết dìm mình trong lòng từ bi
thương xót vô biên của Chúa, qua việc thành tâm sám hối, tức là chân thành nhìn
nhận sự yếu hèn tột độ của con. Nếu từ ngày được rửa tội cho tới nay con đã
không làm điều này cho đủ, thì trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, con
xin dành trọn để đón nhận và tri ân lòng thương xót Chúa. Xin cho con nhận được
hồng ân vô giá là, trong giờ lâm tử biết phó thác mình trọn vẹn trong bàn tay
nhân hậu đầy yêu thương của Cha. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn
Văn Ty SDB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét