Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

14 tháng 1, 2013

TRONG DÒNG SÔNG GIOĐAN


Chúa Nhật I Thường Niên : Chúa Giêsu chịu phép rửa. Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22.

Linh mục Mac Carthy giảng về Phép Rửa Tội.
Lúc đang nói về người chịu Phép Rửa Tội được trở nên Con của Thiên Chúa, ngài bỗng dừng bài giảng lại và nói lớn tiếng một cách sững sốt:
- “Chúa ôi! Tôi thấy gì đây? Mắt xác thịt cho tôi thấy trước mặt tôi, những thương gia, những công chức, những công nhân, những người giúp việc, những người nghèo, những người giàu, những hạng thông, những người dốt, nhưng nhờ ánh sáng đức tin, con mắt linh hồn cho tôi thấy toàn là những hoàng tử và công chúa thực sự.”
Vừa dứt lời, linh mục Mac Carthy làm một cử chỉ mà chắc chúng ta chưa thấy một vị linh mục nào làm trên toà giảng: ngài cúi sâu đầu và cung kính nói:
- “Nhân Danh Thiên Chúa trên trời, tôi xin kính chào quý ngài.”
Bí tích rửa tội làm cho chúng ta từ tội nhân trở nên Con Thiên Chúa, được loan báo bằng phép rửa tại sông Giođan.
 Cả bốn Tin Mừng đều ghi nhận lại Thánh Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan (x. Mt 3, 13-16, Mc 1, 9-11; Lc 3, 21 -22 ; Ga 1, 28-34 ).
Sông Giođan là một con sông độc nhất vô nhị trên thế gioi, về ý nghĩa danh dự : Nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Độc nhất vô nhị về mặt địa lý : Con sông Giođan là con sông độc nhất phải xuống quá thấp! Nó bắt nguồn trên đồi Hécmôn, cao 520 mét, dài 220 cây số, chấm dứt ở Biển Chết, ở sâu 394m dưới mực nước biển. Tiếng "Giođan”, trong ngôn ngữ Do Thái có nghĩa là "người đi xuống", từ gốc "yarad" có nghĩa là "đi xuống. Vị trí địa lý độc đáo của sông Giođan như là hình ảnh loan báo về hành trình của Đức Kitô: từ Trời cao xuống trần gian và kết thúc bằng cái chết…
Mọi người tuôn xuống dòng sông Giođan để“xưng thú tội lỗi” (x. Mc 1,5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (x. Mc 1,4)  Đức Giêsu cùng hòa vào đám đông đến xin Gioan làm phép rửa. Ngài là Đấng Thánh, Ngài là Đấng mà Gioan đã nhìn nhận:“không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài”(Ga 1, 27; Lc 3, 16). Thế nhưng, Ngài  lại hòa chung với đám đông người tội lỗi để chịu thanh tẩy. Ngài chịu thanh tẩy  không phải là để thú nhận tội lỗi, vì nơi Ngài không có chi là tội lỗi. Nhưng Ngài tự hạ trở nên phàm nhân  như thánh Phaolô nói: đã mang lấy "một xác thịt giống xác thịt tội lỗi (Rm 8,3), Người đã trở nên chi thể và thủ lĩnh của một nhân loại tội lỗi. Thành ra mặc dầu chẳng phạm tội, Chúa Giêsu cũng phải cúi chịu phép rửa thống hối vì đã muốn liên đới với mọi tội nhân (x.2 Cr 5, 21; Dt 2, 14- 17). Thánh Phaolô đã xác quyết:" Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." (Pl 2,6 -8). Cho nên khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ, Ngài muốn sống trọn thân phận con người, Ngài  gần gũi họ, nâng dậy và gánh tội của họ. Ngài chết với những tội nhân và chết như một tội nhân. Ngài đón nhận cái chết để chuộc tội cho thế nhân như thể hiện tận cùng của tình yêu của một Vị Thiên Chúa cho nhân loại.
Phép thanh tẩy của Gioan không là Bí Tích nhưng là phép rửa tỏ lòng Sám Hối, Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa nơi Gioan như là một dấu chứng thực về sứ vụ Tiền Hô của Gioan và giá trị của phép rửa thống hối mà Gioan làm cho dân chúng để chuẩn bị đón cho Đấng Cứu Thế. Phép rửa của Gioan loan báo Phép rửa trong Thánh Thần là Bí Tích Thanh Tẩy mà Chúa Giêsu sẽ làm như chính Gioan đã chứng thực : "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người… Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (Ga 1, 26-27. 34).
Hơn nữa chính lúc lãnh phép rửa là mở đầu cho một cuộc hành trình rao giảng cứu độ của Chúa Giêsu bằng hình ảnh Thánh Thần hiện xuống thánh hiến như Ngôn sứ Isaia loan báo: "Này đây Tôi tớ của Ta mà Ta nâng đỡ Tuyển nhân của Ta mà Ta sủng mộ. Ta đã ban Thần khí Ta trên Người..." (Is 42, 1), Người Tôi tớ Chúa được thánh hiến « Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng… » (Is 61, 1)  với sự xác nhận của Chúa Cha : "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3, 17) Chúa Cha chấp nhận sự tùng phục của Chúa Con như của lễ đẹp dâng lên Chúa Cha được Ngài chấp nhận.
Hình ảnh Chúa Giêsu ngụm mình thanh tẩy trong dòng nước ở sông Giođan như tiên báo giờ phút mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Giêsu thực hiện sau này: Ngài xuống dưới nước như xác Ngài bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn của đền thờ bị xé. Thánh Thần ngự xuống với tiếng từ trời phán là chính Ngài từ cõi chết sẽ  phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống.
Chiêm ngưỡng Đức Giêsu dìm mình trong dòng sông Giođan, chúng ta cũng chấp nhận thanh tẩy mọi vết nhơ của cuộc sống trần gian để được xứng đáng với tước hiệu con Thiên Chúa qua Bí tích Thanh tẩy- Bí tích mà phép rửa của Gioan loan báo và Chúa Giêsu đã chứng thực qua việc Ngài dìm mình trong dòng sông Giođan và chính Ngài đã lập Bí Tích Thanh tẩy. Qua bí tích Rửa tội, thánh Gioan Tông Đồ xác quyết “Chúng con hãy xem, Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Chúng ta trở nên con Thiên Chúa, cho nên chúng ta  sống làm sao cho xứng đáng với địa vị cao cả.
Xin Thiên Chúa hãy biến cải con người chúng ta  thành con yêu, con người mới - con người sống theo Thần Khí, không theo những đòi hỏi, ham muốn theo phàm nhân, nhưng theo tính thần linh mà Thiên Chúa Cha đã gieo mầm vào trong bản thân chúng ta trong Bí tích Thanh tẩy, được nẩy mầm và phát triển, để rồi trong ngày sau hết, Thiên Chúa cũng sẽ nói về chúng ta như ngày xưa Ngài đã nói bên bờ sông Giođan :
                             “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
                                                Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 12/01/2012
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét