Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

11 tháng 11, 2011

CHÚA NHẬT XXXIII TN: TỬ ĐẠO VÌ SỐNG ĐẠO

Kính thưa quý OBACE, người Việt Nam chúng vẫn tự hào mình là một dòng dõi anh hùng trải qua lịch sử 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước. Không chỉ tự hào như thế, mà đối với các thế hệ Kitô hữu tại Việt Nam, cũng đã sinh ra được những vị anh hùng dám chết cho lý tửơng sống của mình, đó là các Thánh Tử Đạo Việt nam mà hôm nay cả giáo hội hoàn cầu đang hướng về Giáo Hội Việt Nam với lòng kính trọng và khâm phục.
 Nếu như các anh hùng dân tộc là những người đã dám liều thân để bảo vệ quê hương đất nước, thì các anh hùng tử đạo Việt Nam là những người đã dám sống đến cùng với chọn lựa đức tin của mình và trung thành bảo vệ niềm tin của mình vào Đức Kitô dù có phải chấp nhận hy sinh mạng sống.
Tín trung là một đức tính của những bậc anh hùng, ngược với anh hùng và tín trung là hèn nhát và phản bội. Sự tín trung với Thiên Chúa không chỉ là một đức tính tự nhiên mà còn là một ơn huệ Chúa ban; Vì với những cực hình dã mãn như sử sách ghi lại, thì sức chịu đựng của các vị tử đạo quả là phi thường. Chúng ta có thể thấy ngay từ xa xưa đã có những con người can đảm dám chết vì lý tưởng của mình như sách Macabe thuật lại trong bài đọc một. Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh đất Giuda rơi vào tay của người Hy Lạp, và Antiokho vua Hy Lạp đã muốn Hy lap hóa người Giuđa bằng việc du nhập không chỉ các trò chơi vi phạm lề luật của cha ông, mà còn cả các tập tục của dân ngoại được áp đặt trên người Do Thái. Đã có nhiều người khi tiếp xúc với hoàn cảnh mới này đã nhanh chóng đầu hàng quay lưng lại với lề luật của Thiên Chúa và tập tục của cha ông, tuy nhiên còn có rất nhiều người vì trung thành với giới răn lề luật của Chúa như câu chuyện của một bà mẹ và bảy người con được thuật lại hôm nay.
Tại sao bảy đứa con trai này lại can đảm như thế, thưa có thể nói rằng, họ đã thừa hưởng dòng máu anh hùng và lòng trung thành nơi người mẹ của mình. Người phụ nữ kia thật can đảm, có người mẹ nào không đau khi thấy con mình bị hành hạ, vậy mà người mẹ trong câu chuyện không hề lung lạc ý chí và niềm tin, không hề ham sống sợ chết, và cũng không hề tiếc gì cho những đứa con, mà trái lại bà đã dùng chí khí của bậc nam nhi và thổi vào tâm hồn các con của bà lòng kiên trung và sự can đảm. Bà đả nói cho từng đứa con biết đâu là nguồn gốc cuộc đời cùa mình và đâu mới là hạnh phúc đích thực: Mẹ không biết các con thành hình trong lòng mẹ ra sao, chính Thiên Chúa Đấng tạo dựng vũ trụ đã cho các con thần trí và sự sống.. và cũng chính Ngài sẽ trà lại cho các con thần khí và sự sống của Ngài, nên các con đừng sợ những tên lý hình này. Đó là những lời hết sức can đảm và xác tín vào Thiên Chúa cũng như hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa. Chính sự can đảm của bà giúp các con bà thêm can đảm.
Có được đức tính can đảm anh hùng như thế là vì những người này đã xác tín một cách mạnh mẽ vào những lời sách Khôn ngoan hôm nay khẳng định: Linh hồn người công chính ở trong tay chúa và chẳng có cực hình náo có thể chạm tới họ được nữa… sau một thời gian thử thách… Thiên Chúa đã đón nhận các Ngài như của lễ toàn thiêu.
Tổ tiên của chúng ta, các anh hùng Tử Đạo Việt Nam cũng thế, họ không phải là nhữnng con người nhát đảm ham sống sợ chết, mà trái lại họ đã can đam chấp nhận cực hình thể xác và bị người đời loại trừ như đồ phản bội, chỉ vì trung thành với Đức Tin với đời sống đạo của người Kitô hữu. Nói bằng một vài từ ngữ như thế ở thế kỷ 21 này, có lẽ chúng ta khó hình dung. Ngày nay chúng ta quen gọi người bên lương và bên đạo – đó là một cụm từ phân biệt và kỳ thị, các quan lúc ấy khi bắt được người Công giáo thì dùng con dấu nung đỏ để đóng lên mặt người tín hữu hai chử Tả Đạo – từc là những người theo tà đạo phải cảnh giác và có thể hành hạ chửi rủa nếu muốn, còn những người khác được gọi là bên lương, tức là những người sống lương thiện. Cũng trong giai đoạn này hàng trăm ngàn người đã bị giết chết bởi đủ mọi thứ cực hình từ xử giảo, xử trảm, bá đao, voi giày, tuột ống tre, đu ống nứa… không thể tưởng tượng hết sự ác độc dã man, nhằm làm lung lạc đức tin của cha ông chúng ta, vậy mà từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, người bình dân, người trí thức, quan lại, lính tráng…bao nhiêu thế hệ Kitô hữu Viêt Nam đã hiên ngang can đảm sống đức tin của mình, chấp nhận thà chết chứ không bỏ đạo Chúa. Dòng máu anh hùng ấy đã làm trổ sinh đức tin của chúng ta hôm nay, và sự can đảm từ chối những lời hứa hẹn những bổng lộc thế gian để chọn cực hình và cái chết của các Ngài đã trở thành niềm tự hào và gương sáng cho các thế hệ Kitô hữu hôm nay.
Thiên Chúa không lừa dối con người, Ngài cho thấy trước rằng trung thành theo Chúa là một thử thách cam go chứ không phải là điều dễ dàng, vì vậy nên Ngài mời gọi: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta. Mang gông và vác thập giá thì không thoải mái tí nào, Chúa không hứa hẹn cho chúng ta một cuộc sống buông thả dễ dãi, cũng không vẽ ra cho chúng ta những lời hứa hẹn ảo tưởng, nhưng cho chúng ta thấy trước sự thật và cái giá chúng ta sẽ phải trả khi chấp nhận bước theo Ngài. Từ bỏ chính mình – bỏ thuốc lá bỏ rượu đã là khó, từ bỏ chính mình càng khó hơn, vì phải chấp nhận bỏ đi cái tội hep hòi ích kỷ, bỏ đi cái tôi kiêu căng ngạo mạn, bỏ cả cái tôi danh vọng quyền lực tìm khẳng định mình- đó mới là bước thứ nhất. Bước thứ hai là vác thập giá minh hằng ngày mà theo ta- Chúa chưa đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa hoặc thập giá của người khác nhưng là thập giá của chính mình- đó là con người của mình với những giới hạn và bất toàn, đó là hoàn cảnh hiện tại của chúng ta dù giàu hay nghèo, dù sướng hay khổ, dù thành công hay thất bại, thì trong đó cũng có thập gía mà mình phải vui vẻ đón nhận và vác đi theo Chúa, đi theo Chúa chứ không theo ý riêng của mình, tức là làm môn đệ của Chúa, không tìm kiếm những hứa hẹn của thế gian, mà là đi cùng con đường của Chúa, con đường yêu mến và vâng phục thánh ý Thiên Chúa con đường của yêu thương phục vụ, và trung thành với giới răn lề luật của Chúa cho đến cùng.
Thưa quý OBACE, sống và bước theo Chúa Kitô như thế trong xã hội hôm nay đó là anh hùng, là tử đạo. Tử đạo ngày nay không phải là chết vì đạo cho bằng sống cho đến cùng vì đạo, sống cho đúng danh nghĩa là sống đạo. Ngày nay sẽ không còn những cuộc điệu ra pháp trường, không còn xử trảm không còn máu chảy như ngày xưa, nhưng không vì thế mà không có những anh hùng sống đạo. Ngày nay mỗi người đang được mời gọi noi gương cha ông mình, dám sống đến cùng với lý tưởng và hy vọng của người Kitô hữu, đó la Chọn Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài và chờ đợi không phải những lời hứa hẹn ở thế gian này, mà là hạnh phúc nước trời. Người đời hôm nay vẫn ghét người Kitô hữu vì chúng ta không thuộc về thế gian, người ta hứa hẹn cho chúng ta đủ điều, một cuộc sống giàu sang thoải mái, nhưng chúng ta lại không mong đợi những điều đó, nên họ nghi kỵ chúng ta, họ ghét chúng ta bởi vì họ ghét Đức Kitô trước. Còn một khi thế gian yêu chuộng chúng ta đó là dấu chi chúng ta đã thuộc về nó.
Mang danh là người có đạo, khác với người bên lương, nhưng có khi cái nghĩa của ngày xưa bây giờ lại thành đúng, tức là người lương có khi họ đang sống lương thiện, tốt hơn là người có đạo, bởi vì chúng ta đã coi việc có đạo như có một món đồ trang sức được cất giấu trong két, lâu lâu mới được đem ra sử dụng mỗi dịp lễ, còn ngày thường không ai biết chúng ta là người có đạo, bởi vì chúng ta đã không thực hành, không đọc kinh cầu nguyện, không dâng lễ một cách chu đáo, không xưng tội rước lễ, không chịu khó học hỏi thêm về đạo về giáo lý, nên nhiều người có đạo mà biết rất ít về đạo của mình, họ đã sống không hơn gì người dân ngoại, thì việc có đạo đó chẳng có ý nghĩa gì.
Mừng các vị Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa đã cho Cha ông chúng ta được can đảm sống đến cùng niềm tin của mình trong một xã hội ngặt nghèo và nhiều khó khăn như thế, và cũng xin cho chúng ta là con cháu các Ngài, biết noi gương can đảm tín trung của các Ngài với Chúa và giới răn lề luật của Ngài trong xã hội và thế giới hôm nay – một xã hội với nhiều cám dỗ mời chào- và trở thành những người ươm trồng vào trong con cháu mình khí tiết anh hùng của các bậc Tử Đạo Việt Nam.
Tác giả bài viết: Lm. Đỗ Đức Trí


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét