Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

16 tháng 11, 2011

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN

Kính Trọng Thể Các Thánh tử Đạo Việt Nam Kn 3, 1-9; 2Cr 4, 7-15; Mt 10, 17-22 Cha Alexandre de Rhodes tức cha Đắc Lộ, vị đại ân nhân của Giáo Hội và Đất Nước Việt Nam. Ngài là người có công nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Cha là tác giả của những tác phẩm đầu tiên của tiếng Việt Tự Điển Việt-Bồ-La, Ngữ Pháp Tiếng Việt, Phép giảng tám ngày, đặt nền tảng cho sự hình thành tiếng Việt ngày nay. Khi bị Chúa Nguyễn trục xuất khỏi Đàng Trong (Annam), về Roma cha vận động với Tòa Thánh đặt các Giám mục ở Việt nam để việc truyền giáo sinh nhiều kết quả hơn, nhờ đó mà có hai Giám mục tiên khởi Đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659) : Francois Pallu và Pierre Lambert de la Motte

Với biết bao nhiêu hy sinh trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, Cha Đắc Lộ đã lập nhiều Giáo Đoàn. Thừa Sai ít ỏi, cần các cộng tác viên người bản xứ,  Ngài lập Hội Thầy Giảng gọi là "Nhà Ðức Chúa Trời" mà: các thành viên cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng. Hội Thầy Giảng là nền tảng cho việc tổ chức nhân sự cho Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai mà hoa trái đầu tiên là thầy Anrê tử đạo tiên khởi của Việt Nam. Thầy Anrê sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625 nên được gọi là Anrê Phú Yên. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ ban phép Thánh tẩy.
Một năm sau, Anrê xin được gia nhập nhóm các thầy giảng và được cha Đắc Lộ  thu nhận. Cha Đắc Lộ đã giao thầy cho người đứng đầu các thầy giảng là thầy Inhaxiô. Trong các tác phẩm: Divers Voyages et Mission (Hành Trình và Truyền Giáo)  xuất bản năm 1653 ở Paris.Và cuốn La glorieuse mort d'André, Catéchiste (Cái Chết Vinh Hiển Của Thầy Giảng Anrê), xuất bản năm 1653… Cha Đắc Lộ đã ghi lại biến cố tử đạo của người trai trẻ Phú Yên hoa trái tử đạo đầu tiên của Giáo hội Việt Nam :
Các thành viên nhà Đức Chúa Trời cộng tác với cha Đắc Lộ đắc lực trong việc rao giảng Tin Mừng đã đạt được rất nhiều thành công. Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt thầy Inhaxiô là vị đại diện Đạo Trưởng và làm trưởng Hội Thầy Giảng. Quan cho quân binh vây bắt thầy Inhaxiô nhưng thầy vắng mặt  chỉ có thầy Anrê trẻ tuổi lúc ấy đang ở nhà một mình, và thầy đã tình nguyện nạp mình thế chỗ cho người anh cả. Trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê không hề lo sợ hay tỏ ra nao núng, mà còn tuyên xưng đức tin một cách phi thường : "Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài". Khi nghe tin thầy Anrê bị bắt, Cha Đắ Lộ  thương người con bé bỏng nên đã làm tất cả để vận động trả tự do cho thầy, nhưng đều không kết quả. Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy, để thầy được "...giữ nghĩa cùng đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời".
Ngày  26 tháng bảy năm 1644,  Anrê vừa được 19 tuổi. Thầy bị điệu ra Pháp Trường, Cha Ðắc Lộ đi bên cạnh thầy, củng cố niềm tin trong lời cầu và nước mắt. Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng nhiều  nhát lao : Một người lính lấy giáo đâm thầy  từ phía sau lưng thâu qua ngực chừng hai bàn tay,  được rút ra và đâm lại nhiều lần ; Thầy vẫn quỳ thẳng, ngước mắt về Trời theo dấu hiệu của cha Đắc Lộ. Sau cùng khi những lưỡi giáo không làm thầy ngã xuống,  một người lính dùng đao chém đầu, Thầy lớn tiếng kêu lên "Giêsu". Dòng máu nóng của  thầy Anrê tuôn trào. Cái chết tiên khởi của thầy Anrê Phú Yên đã loan báo một chân trời hân hoan Hội Thánh Việt Nam được lớn lên nhờ dòng máu của các tử đạo. Thật thế, Máu Thầy Anrê và các anh hùng tử đạo Việt Nam đổ ra trên mảnh đất Việt, như những hạt giống tốt làm phát sinh một Giáo Hội Việt Nam như lời Đức Kitô đã dạy: “… hạt lúa gieo vào lòng đất …chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
“Tử Đạo” theo nguyên ngữ là “Martyr” có nghĩa là “làm chứng”, các tín hữu Công giáo đã làm chứng đức tin khi đổ máu đào tuyên xưng Đức Kitô. Các chứng nhân Tử đạo can đảm chấp nhận gian nan và đi vào cái chết vì Chúa Kitô như chính Chúa Kitô đã chết cho các ngài. Tử đạo là chết vì Chúa Kitô, trong đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu, như chúng ta thấy nơi thầy Anrê và các chứng nhân.  Chết vì Chúa Kitô đạt được niềm hạnh phúc như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12; Lc 6, 22).
Không có sức mạnh nào ngay cả cái chết có thể tách rời sự kết hợp lòng yêu mến Chúa  nơi anh hùng tử đạo, các ngài mặc tâm tình như Thánh Phaolô đã khẳng định : "Ai có thế tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” Trong gian nguy nhưng sẽ chiến thắng như thánh Tông đồ đã xác tín: “Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" Và Ngài kết luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39)  Thật thế dù trước sức mạnh của bạo quyền trong các nhục hình: Xử trảm (chặt đầu), bị xử giảo (thắt cổ), bị tra tấn và chết rũ tù, bị thiêu sống, bị lăng trì (phân thây bằng sức mạnh của dã thú), bá đao (hay còn gọi là tùng xẻo, mỗi tiếng trống cắt một miếng thịt làm đủ một trăm nhát), không thể làm các Ngài tách ra khỏi niềm tin, xa cách tình yêu Thiên Chúa mà trái lại các ngài luôn thể hiện niềm xác tín và tình yêu vào Đấng mà các ngài tin thờ.
Giáo Hội Việt Nam gần 500 năm được gieo hạt giống Tin Mừng và phát triển trong đó có gần 300 năm bị cấm bách hại, dưới sáu triều đại, khi thăng khi trầm. Trong con gió cuồng phong của bách hại, Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến cho Giáo Hội Mẹ trên 100.000 vị tử đạo. Trong số đó có 117 vị được phong thánh một Vị Chân phước tử đạo đầu tiên cho Giáo hội Việt Nam là thầy giảng Anrê Phú Yên. Hiện nay cũng có trên 1.000 vị được đứng vào bậc “tôi tớ Chúa” đang được cứu xét trong tiến trình phong chân phước.
Các chứng nhân tử đạo Việt Nam  thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa: Giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh, Giáo lý viên, trùm họ, chánh trương và anh chi em tín hữu. Về xã hội các ngài cũng thuộc mọi thành phần: Quan trong triều đình, chánh tổng, quan án, lý trưởng….  quân nhân, các cấp bậc, thương gia, nông dân, ngư phủ hay nội trợ. Các tín hữu còn sót lại trong các cuộc bách hại cũng bị nhà tan cửa nát, phải trốn tránh vào những nơi rừng thiêng nước độc để giữ niềm tin, như các giáo dân chạy vào vùng La Vang, Quảng Trị được Đức Mẹ hiện ra yên ủi và khích lệ giữ vững Đức Tin ; Thánh Địa La Vang trải qua hai trăm năm nay vẫn sừng sững như là biểu tượng của Niềm Tin của các thế hệ mang giòng máu rồng tiên.
Các anh hùng Tử Đạo Việt Nam, là các bậc tiền bối của chúng ta, các ngài đã can đảm phi thường,  yêu mến Chúa Kitô dù mọi cực hình đau đớn vẫn một lòng trung thành giữ vững đức tin. Là con cháu các ngài, noi gương tổ tiên chúng ta được mời gọi vững đức tin, sống tràn ngập Tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân, xây dựng quê hương - Giáo Hội Việt.
Tất cả như lời hoan ca :
Máu hồng đổ xuống nét sơn tô,
Giải đất quê hương triệu tín đồ
Khơi dậy một mùa ơn cúu độ
Khắp miền vang vọng tiếng tung hô
                      (Thánh Thi Kinh Chiều I lễ Các Thánh Tử đạo Việt nam).

      Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 12/11/2011

Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét