Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

9 tháng 11, 2011

Người mẹ của 166 đứa con

TT - Bà ngồi chết lặng bên bậu cửa, khóc con! Một trong 166 đứa con của bà đã ra đi trong đêm bão về. Cả cuộc đời vất vả, chịu đựng trái ngang để cưu mang 166 trẻ bất hạnh, bà đã coi chúng như chính đôi mắt, bàn tay, bàn chân nối liền máu xương mình.




Lớn tuổi, ốm đau nhưng bà Hương vẫn làm việc để nuôi con  - Ảnh: Quốc Việt




Con bệnh, bà cũng bệnh theo. Con xuôi tay giã từ kiếp sống khổ đau này, bà như chết cùng với con. Cánh cửa xiêu vẹo bằng tre nứa của cơ sở nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao (Đồ Sơn, Hải Phòng) tả tơi sau ngày mưa bão. Đám trẻ đứa bò lổm ngổm, đứa teo chân, vẹo tay, hư mắt túa ra đón khách: “Chào danh, chào dác, chào dú aaa...”. Tôi lặng nhìn những gương mặt trẻ mê dại, nghe những giọng nói ngọng nghịu không tròn tiếng. Bà gạt nước mắt: “Anh đem đến niềm vui bất ngờ cho các con tôi đấy. Ở đây ít khách lắm!”.

Tình thương và số phận
Ngược lại thời chiến năm 1972, bà còn là cô chiến sĩ xinh đẹp Trần Thị Thanh Hương trên tuyến lửa. Một lần về phép đến Quảng Trị, đồng đội bị thương nặng đã gửi hai con cho cô. Bặm môi đến bật máu để khỏi bật tiếng khóc trước người lính, cô hứa mình còn thì chúng còn, dù thế nào cũng nuôi nấng chúng nên người. Không bế hết được, cô đành bỏ hai bé vào hai sọt đầu đòn gánh rồi gánh về hậu phương. Hình ảnh lạ lẫm của cô lính trẻ lúc thì oằn vai gánh gồng, khi lấy lưng che bom cho con, rồi vạch cả vú không sữa để cố dỗ chúng nín khóc đã làm nhiều ánh mắt xót xa lẫn nghi ngại. Con ai hay chính con cô lính này?
Tình thương yêu trẻ thơ hay nghiệp số cô bắt đầu từ đó. Hòa bình. Đồng đội là thương binh, nạn nhân chất độc da cam hoàn cảnh khó khăn thấy cô Hương nuôi trẻ mát tay lại gửi con cho cô. Hầu hết chúng cũng khổ đau khi mang mầm bệnh của cha mẹ trong chiến tranh. Gái không chồng nuôi một, hai con đã khổ, đằng này cô lại nuôi cả đàn con thiểu năng, què, liệt, nhọt mụn đầy người. Nhưng cô lại khổ thêm với miệng lưỡi trần gian. Người hiểu cô ít, kẻ nghi ngại cô thì nhiều. Họ gọi cô là Hương dở hơi, Hương chập mạch đủ cả. Oái oăm, có người còn nghi ngờ đám trẻ bất hạnh đó có cả con cô. “Chắc kiếp trước nó ở ác lắm mới bị đọa thế”.

Đời cô càng buồn khi những người đàn ông đến với cô đều ra đi. Có anh văn công rất thương cô, đã đập vỡ quà kỷ vật tình yêu: “Anh quý lòng tốt của em. Nhưng em phải chọn hoặc anh hoặc đám trẻ này!”. Cô gạt nước mắt lắc đầu, và người đó lại tiếp tục ra đi!
Rồi cuộc đời con gái xuân trẻ của cô cứ thế lặng lẽ qua dần bên những đứa trẻ kém may mắn. Có đồng đội thương bệnh binh gửi con cho cô nuôi giúp dăm ba năm lúc khó khăn rồi nhận về lại. Có người đến khi nhắm mắt xuôi tay đành để con cho cô nuôi luôn. Tất cả 166 lượt trẻ, cô đều coi như con máu mủ mình và chúng cũng yêu thương gọi cô là mẹ, tiếng mẹ dại mê, ngọng nghịu mà cô đi đâu không được nghe là nhớ đứt ruột!

Thiếu tá Phan Thị Len, đoàn 295, nói: “Đến thăm cơ sở nuôi dạy trẻ em bất hạnh của chị Hương mà tôi không kìm được nước mắt. Tôi cũng là mẹ, nên chỉ nghe tiếng mẹ con chan chứa tình thương gọi nhau là tôi biết tấm lòng của chị với các cháu mà chị đã nhận làm con mình. Lớn tuổi, ốm đau, chị Hương chẳng có tài sản gì ngoài đàn con yêu thương của mình”. Thiếu tá Len vừa về hưu, cũng phát tâm về cơ sở Thiện Giao để phụ nấu nướng cho các cháu.
Đầu đông năm 2011 này, cô Hương xinh đẹp ngày nào đã sang tuổi 61. Cái tuổi mà có người đã nói: “Bà Hương dở hơi đã xé toạc cả đời mình cho chuyện người dưng nước lã”. Còn bà thì đủ trải nghiệm để trả lời: “Nếu có thêm một kiếp nữa, tôi vẫn nguyện hi sinh cho các con”. Bà thẳng tính, có lần đã đuổi thẳng một đoàn đến thăm, ngỏ ý sẽ trao tiền tặng nếu bà chịu ngầm chia lại một nửa cho họ. Nhưng cũng nhiều khách đến thấy tình cảnh và quý lòng bà đến mức xin làm chị, làm mẹ kết nghĩa.


Thương con, bà cũng mệt đứt hơi với chúng. Cái Hạnh lớn tồng ngồng mà đi ngoài chẳng biết tự vệ sinh, chỉ biết quẳng cả cái quần vì bẩn. Riêng việc tìm giặt quần, nhiều bữa bà phải bỏ cơm vì ăn không nổi. Rồi cậu Trầm, “kỹ sư”... phá, thích xem tivi nhưng đập nát ngay để tìm “thằng người” trong tivi. Bà mua quạt cho các con ngủ mát, nhưng ngay sau đó phải lặn hụp xuống ao mò vì Trầm “dọn nhà cho mẹ da”. Cả cu Tuyền hiền như con gái mà bà cũng không dám rời xa. Cứ trời nóng lên là Tuyền lại tự đấm vào mặt mình. Thương nhất là bé Đạt bị thiểu năng, rất mê mưa, cứ mỗi lần mưa là lại lẻn ra trời. Trận bão rồi, trong lúc bà cuống cuồng giữ mái nhà cho các con khỏi ướt thì Đạt lẻn ra lúc nào không biết. Tan bão, mọi người phát hiện Đạt cứng đờ dưới ao. Đến giờ kể chuyện Đạt, bà vẫn chảy nước mắt khóc con!

Hoa vẫn nở trên sỏi đá
Vất vưởng nhiều nơi, làm đủ nghề để nuôi đàn con đông, mười năm gần đây bà Hương chuyển về mảnh đất cằn cỗi gần nghĩa trang Đồ Sơn. Nhiều lần sẻ cả chén cơm cho con, chiếc nhẫn, sợi dây vàng phòng thân dành dụm mãi mới được, bà cũng bán sạch để mua gạo. Nhưng bà không cho phép mình gục ngã. Quây mảnh vườn bà trồng rau cải, rồi nuôi cá, chăm đàn lợn đẻ kiếm thêm thu nhập. Ông trời có mắt! Ngày xưa bà bước vào chuồng lợn còn bị mắng té tát vì “số độc” làm chết lợn người ta. Thế mà giờ chăm lợn để nuôi con, lợn cứ ủn ỉn đẻ liên tục.
Gần đây, bà học thêm nuôi nấm linh chi. Các con thiểu năng, khuyết tật hè nhau lấy cho heo ăn, rồi... đổ cả xuống ao, kể cả chọc thủng bao “tìm con lợn nấm đẻ từ đâu”. Thế rồi, thấy mẹ buồn, ngồi khóc bên nhà nấm bị phá tan hoang, đám con dại mê lại đâm tỉnh. Chúng vỗ về bà: “Các don xin dỗi mẹ da, mẹ dà...”. Rồi chúng tẩn mẩn phụ bà trồng lại. Hình như có việc động não, động tay làm chúng đỡ ốm đau và cũng tỉnh người. Về sau, nhiều đứa còn biết trồng rau, cho lợn ăn phụ mẹ, dù thi thoảng lại bốc trộm thức ăn lợn bỏ vào miệng mình.
Thấy các con có việc làm, khỏe ra, bà Hương mừng lắm. Nhưng bà vui nhất là dạy các con thiểu năng bập bẹ biết chữ. Ban đầu bà gửi chúng đến trường. Kiếm tiền mua cả xấp vé xe buýt tháng mà mỗi vé đến 200.000 đồng đã khó, bà còn khổ sở chuyện quản lý đám trẻ thiểu năng, ốm đau cứ rời mẹ một lát là nhặng xị lên như ong vỡ tổ. Học ở trường không nổi, bà dạy học ở nhà. Năn nỉ ỉ ôi đến nghiêm cỡ nào cũng không được, bà phát hiện cách dạy độc đáo. Thì ra dù bị ốm đau, thiểu năng nhưng chúng vẫn có khiếu, chăm chỉ với những chuyện tỉ mỉ. Thấy các con mê nghịch điện thoại di động của mình, bà mua trả góp cả đống điện thoại cũ, rẻ tiền, rồi phát mỗi đứa một cái. Học viết chữ, đọc chữ trên bảng thì khó, nhưng học nhắn tin điện thoại thì đứa nào cũng tranh học. Ban đầu chỉ vài chữ “Don chào mẹ, chào danh, chào dị”, thế mà chỉ vài tháng có đứa đã bập bẹ đọc được.

                               Bà Hương (đứng) chăm lo bữa ăn cho các con hằng ngày - Ảnh: Quốc Việt

Quốc Việt








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét