Đức Kitô là Vua vũ trụ. Chính Người sẽ xét xử muôn dân trong vinh quang và quyền uy tuyệt đối của Người. Đó là điều mà bài Tin Mừng hôm nay (Mt 25,31-46) muốn nhấn mạnh cách đặc biệt cho chúng ta.
Bấy giờ, Đức Giêsu nói: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người” (c.31).
Chủ đề về thời điểm và dấu hiệu của biến cố Con Người quang lâm đã từng được nói đến nhiều lần trong diễn từ cánh chung. Trước tiên là trong câu hỏi của các môn đệ ở phần nhập đề của diễn từ, khi các môn đệ tới gặp riêng Đức Giêsu và thưa: "Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế?" (24,3). Sau đó là trong một loạt những lời khẳng định của Đức Giêsu ở 24,27.30.37.39.44. Bây giờ, ở cuối diễn từ, vấn đề được quan tâm thực sự không phải là thời điểm hay dấu hiệu của biến cố nữa, mà là ý nghĩa của biến cố đó và những điều người ta cần chuẩn bị để đón biến cố đó.
Biến cố Con Người quang lâm được miêu tả bằng những chi tiết huy hoàng và hùng vĩ: “trong vinh quang của Người”, “có tất cả các thiên sứ theo hầu”, “Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người”. Trong 16,27 Đức Giêsu nói đến sự kiện Con Người sẽ đến trong vinh quang cùng với các thiên thần, nhưng ở đó là vinh quang của Cha Người chứ không phải là vinh quang của chính Người như ở đây. Sự thay đổi cách diễn tả này cho thấy có một sự tiến triển rõ ràng trong tư tưởng Kitô luận của tác giả Mátthêu. Cũng có một sự thay đổi khác nữa: hành động của Con Người ở 16,27 là “thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”, còn ở bài Tin Mừng hôm nay sẽ là tách biệt người của các dân thiên hạ như tách chiên ra khỏi dê và xét xử họ tùy theo cách sống của họ.
Một đoạn văn song song khác với 25,31 là 19,28: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel”. Ngữ cảnh cũng là cuộc phán xét, và biến cố cũng là “Con Người ngự tòa vinh hiển”. Sự kiện “có các thiên sứ theo hầu” cũng đã từng được đề cập trong 13,41; 16,27; 24,31. Rõ ràng tác giả Mátthêu muốn sử dụng các hình ảnh khải huyền xuất phát từ Đn 7,13-14 để làm hậu cảnh cho biến cố phán xét cánh chung của Con Người.
Khi Con Người đến trong khung cảnh vĩ đại như thế, “các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (cc.32-33). Tin Mừng đã được loan báo cho mọi dân: “Tin Mừng về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết; và bấy giờ sẽ là tận cùng” (24,14; x. 28,19). Vì thế, các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Con Người. “Sẽ được tập họp” là một lối nói bị động thần học (passivum theologicum) có ý nói là chính Thiên Chúa tập họp họ lại. Đây không chỉ là cuộc tập hợp những hạt lúa tốt của ngày mùa cánh chung (x. 3,12; 13,30), mà còn là cuộc tập hợp cả cá tốt lẫn cá xấu (13,47), cả người xấu lẫn người tốt (22,10).
Các nhà nghiên cứu tranh luận khá nhiều về ý nghĩa của ngữ đoạn “các dân thiên hạ”. Trong số các cách lý giải, đáng chú ý là hai cách hiểu sau: (1) toàn thể nhân loại, và (2) toàn thể các Kitô hữu. Cách hiểu thứ hai dựa trên lập luận rằng sẽ là không hợp lý nếu những người không phải Kitô hữu lại bị xét xử theo những tiêu chí mà họ đã chẳng hề biết. Nhưng cách hiểu thứ nhất có vẻ tự nhiên hơn và phù hợp hơn. Đàng khác, trong những đoạn văn khác của Tân Ước nói về ngày phán xét cánh chung, những đối tượng phải bị đưa ra trước tòa phán xét cũng là tất cả mọi người. Ví dụ trong Rm 14,10-12; 2Cr 5,10; Kh 20,11-13.
Sự tách biệt chiên ra khỏi dê là sự tách biệt người công chính khỏi những kẻ bất chính. “Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính” (13,49). Chiên là hình ảnh ẩn dụ của những người công chính; dê là hình ảnh ẩn dụ của những kẻ tội lỗi. Ở bên phải là chỗ danh dự và quý trọng, còn ở bên trái nghĩa là ngược lại, mặc dù tự nó, ở bên trái không có nghĩa là bị coi thường. Thế là có hai nhóm phân biệt nhau.
Sự phân biệt thành hai tập hợp, và hai tập hợp này sẽ có số phận hoàn toàn khác nhau, là điều đã từng được trình bày trong một số đoạn văn khác của Mt. Thí dụ 13,40-43: “Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ”.
“Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (c.34).
Ở c.31, Đấng lên ngự trên ngai vinh hiển chính là Con Người. Vì thế, “Đức Vua” ở c.34 này chắc chắn cũng chính là Đấng ấy. Người nắm quyền thưởng phạt mọi người tùy theo việc lành dữ họ đã làm (x.16,27). Người sẽ tống khứ khỏi Nước của Người những kẻ làm điều gian ác, và cho những người công chính trở nên chói lọi như mặt trời, tức là được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (x.13,40-43).
Những người công chính được Đức Vua gọi là “những kẻ được chúc phúc”, và là sự chúc phúc của “Cha Ta”, tức là có một mối liên hệ rất đặc biệt với Chúa Con trong Cha của Người. Những kẻ ấy được mời gọi: “Hãy đến”, trái ngược với những kẻ bất chính sẽ bị xua đuổi: “Đi đi”. Bây giờ, những người công chính sẽ được thừa hưởng Vương Quốc cánh chung trong vinh quang và phúc lạc vô tận của Vương Quốc. Tác giả Mt đã từng nói đến sự thừa hưởng “đất” (5,5) và sự thừa hưởng “sự sống đời đời” (19,29) như là những cách diễn tả khác của cũng một thực tại. Điều đáng chú ý là Vương Quốc mà những người công chính được thừa hưởng ở đây là thực tại mà Thiên Chúa đã dọn sẵn “từ thuở tạo thiên lập địa”, tức là từ lúc khởi đầu thời gian. Chương trình yêu thương đó của Thiên Chúa được hoàn tất viên mãn trong hạnh phúc vĩnh cửu của những người công chính.
Sở dĩ những người công chính được hưởng hạnh phúc lớn lao, đó là vì họ đã thực hiện những hành động tốt lành với chính Đức Vua. Người nói với họ : «Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han" (cc.35-36).
Có sáu tình cảnh khác nhau được kể ra : đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu và bị tù. Điều đáng ngạc nhiên trước hết chính là việc Đức Giêsu kể ra rằng bản thân Người đã ở vào những tình cảnh cần được giúp đỡ đó. Người cũng khẳng định rằng những người công chính đang ở bên tay phải Người đây đã từng giúp đỡ Người trong những tình cảnh bi thương đó. Tất nhiên những tình cảnh được liệt kê ở đây chỉ mang tính minh họa cho những nhu cầu thiết yếu và sơ đẳng của con người trong những hoàn cảnh gặp gỡ hàng ngày giữa người với người trong cuộc sống.
‘Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" (cc.37-39). Những người công chính ngạc nhiên trước những gì Đức Giêsu vừa nói với họ. Ba lần họ hỏi Người: “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa... ?"
« Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (c.40). Chính sự kiện những người công chính ngạc nhiên và thậm chí là hiểu lầm lời tuyên bố của Chúa Giêsu, đã là ‘cơ hội’ để Người đưa là lời minh định làm nền tảng cho phán quyết của Ngườii về số phận người lành kẻ dữ. Công thức ‘Ta bảo thật các ngươi’ cho thấy những điều được công bố ở đây có một sức nặng đặc biệt. Và điều đáng nói nhất, chính là sự kiện Đức Vua đang ngự trên ngai vinh hiển đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nhất mà Người gọi là anh em của Người. Những gì người ta đã làm cho những anh em bé nhỏ nhất đó, là đã làm cho chính Người.
Tuy nhiên, ai là ‘những anh em bé nhỏ nhất’ của Đức Giêsu. Đó là mọi người, nhất là những người bị bỏ rơi hơn cả ? Hay đó là các Kitô hữu ? Hay đó là các nhà thừa sai Kitô giáo như nhiều người đã từng hiểu ? Hay đó là những Kitô hữu gốc Do Thái như một vài người khác chủ trương? Cách hiểu cuối cùng này xuất phát từ lối giải thích hạn từ anh em theo nghĩa chủng tộc. Cách giải thích thứ hai và thứ ba không khác nhau bao nhiêu, và thật ra, sự phân biệt hai tập hợp này với nhau là không cần thiết. Điều đáng ghi nhận là cách nói “anh em của tôi” trong Mt thường không quy chiếu về tất cả mọi người trong nhân loại, cho bằng quy chiếu về các anh chị em trong cộng đoàn Kitô hữu. Vì thế nhiều người muốn hiểu tập hợp những anh em ở câu 40 này theo nghĩa đó (x. 12,48-49; 28,10; 23,8...). Cách nói ‘một trong những kẻ bé mọn’ đã từng được Mt 18,6.10.14 dùng để chỉ các đồ đệ của Chúa Giêsu. Trong 10,42 chúng ta gặp một nội dung khá gần với những gì được nói ở đây: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Thậm chí ngay trước đó Chúa Giêsu còn khẳng định: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (10,40).
Tất nhiên cáh hiểu “những anh em bé nhỏ nhất” ở đây theo nghĩa là mọi người, nhất là những người hèn mọn và bị bỏ rơi hơn cả, vẫn luôn luôn là cách hiểu hấp dẫn nhất, nhưng rõ ràng cũng không thể coi thường cách hiểu thứ hai, quy chiếu về sự đồng hóa của Chúa Giêsu với các đồ đệ nam nữ của Người.
“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (c.41). Những người ở bên trái, tức là những con dê theo cách xác định ở câu 33. Những người này bị tuyên một án phạt rất nặng nề và nghiêm khắc. Trước hết, họ bị gọi là “quân bị nguyền rủa”, cách dùng xuất hiện duy nhất một lần này trong Tân Ước để chỉ những người bất chính. Ngược với số phận của những người công chính trong câu 34, những người gian ác bị đuổi khỏi nhan Đức Vua và ném vào lửa đời đời. Độc giả Mt đã từng gặp khái niệm “lửa đời đời” trong 18,8 và “lửa không hề tắt” trong 3,12. Những kẻ gian ác bị kết án phải bị trầm luân đời đời trong lửa đó. Họ vĩnh viễn phải sống trong sự dày vò và đau đớn khôn cùng.
Lý do những người này bị kết án thì cũng phần nào giống với lý do những người bên phải được chúc phúc, tất nhiên là theo hướng ngược hẳn lại. Chúa nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng" (cc.42-43). Cũng sáu tình cảnh tương tự như ở cc.35-36, nhưng ở đây, sự ứng đáp luôn luôn là tiêu cực: “Các ngươi đã không...”. Họ không có lòng yêu mến đối với Đức Vua khi Người đang ở trong những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ.
“Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" (c.44). Phản ứng của những người bất chính ở đây cũng phần nào giống với phản ứng của những người công chính ở phía trên. Họ cũng thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa”, y như những người công chính ở cc.37-39. Nhưng lời thưa này chẳng có giá trị, vì như Đức Giêsu đã từng nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (7,21-23).
“Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (c.45). Câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây về bản chất cũng giốg như câu trả lời mà Người đã nói với những người công chính phía trên. Chỉ có một chi tiết nhỏ đáng chú ý: không có “những anh em của Ta”.
“Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời" (c.40). Câu cuối cùng này của bài Tin Mừng tóm tắt số phận hoàn toàn khác nhau của hai hạng người. Và đây là số phận đời đời.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Con Người sẽ đến trong vinh quang của Người vào ngày quang lâm. Biến cố trọng đại và huy hoàng đó đồng thời cũng là biến cố quyết định về số phận chung cục của từng người và của toàn thể nhân loại. Tiếng nói cuối cùng về mọi thực tại, như vậy, là tiếng nói và quyết định của Chúa Kitô Quang Lâm. Ngài mới là Đức Vua đích thực của toàn thể vũ trụ.
2. Tất cả mọi dân nước trên trần gian đều bị xét xử, tùy theo cách hành xử của họ đối với những người anh em bé mọn của Đức Giêsu, những kẻ mà Ngài đã tự đồng hóa mình với họ.
3. Mối liên đới mật thiết đáng ngạc nhiên giữa Đức Kitô với những người anh em bé mọn nhất của Ngài làm nên căn bản và tiêu chí lượng giá của toàn bộ lịch sử cá nhân và tập thể. Điều quan trọng nhất, như thế, là được đi vào trong mối tương quan mật thiết với Chúa Kitô, được trở nên anh em của Ngài. Tất nhiên, một khi đã là anh em của Ngài, thì chúng ta sẽ không thể thấy Ngài đói mà lại chẳng cho ăn, hay thấy Ngài khát mà lại chẳng cho uống, hay thất Ngài mình trần mà lại không cho đồ mặc... Nói cách khác, vấn đề vẫn là đón nhận hay từ khước lòng tin và tư cách Kitô hữu đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét