Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

14 tháng 11, 2011

NHỮNG CÁI CHẾT THẮM NỒNG LỬA YÊU MẾN

Kính các thánh tử đạo Việt Nam Trong những ngày qua, người ta nói đến rất nhiều những cái chết oan khiên và tức tưởi trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra hôm ngày 7.11, trên quốc lộ 1, đoạn ngang qua xã Hồng Sơn, Huyện Hàm Thuận Bắc. Đặc biệt là cái chết của một cô gái ở tuổi đôi mươi và cái chết của một bà mẹ có đứa con thơ.

Sau cú đấu đầu kinh hoàng giữa chiếc container và chiếc xe khách 54 chỗ, cô gái trẻ này đã cố nhoài người ra khỏi chiếc xe để tránh lửa, nhưng đôi chân của cô bị kẹt cứng. Cô ta đã khóc lóc van xin mọi người chặt đôi chân mình để lôi cô ra, nhưng không ai làm được. Mọi người đành bất lực nhìn ngọn lửa nuốt trọn thi thể nạn nhân. Một người dân chứng kiến ngẹn lời kể lại với phóng viên : "Cảnh tượng thật khủng khiếp. Còn hơn cả những gì có trong phim. Chắc suốt cả đời tôi không sao quên được giây phút kinh hoàng ấy".
Một trường hợp khác cũng khiến nhiều người có mặt tại hiện trường phải rơi nước mắt. Bé gái khoảng 5 tuổi may mắn được mẹ đẩy ra khỏi xe và được cứu sống, nhưng người mẹ ấy lại không thể tự thoát ra được do bị mắc kẹt. Đứng ngoài gọi mẹ mãi không được, đứa trẻ gào khóc, năn nỉ mọi người : "Cứu mẹ con với, mẹ còn ở bên trong...". Nhưng ngọn lửa bùng cháy quá lớn, mọi người chỉ biết chạy tới chạy lui trong tiếng khóc lóc thảm thiết của em.
Một số người bị thương khác cũng bị kẹt lại trên xe và bị ngọn lửa nuốt chửng trước sự bất lực và vô vọng của những người dân tiếp cứu. Tổng cộng đã có 10 người chết cháy, trong đó 8 ngưòi chết tại chỗ và 2 người chết tại bệnh viện.
Có những cái chết đớn đau bi thảm, có những cái chết oan khiên tuyệt vọng, như những cái chết của các nạn nhân trong vụ tai nạn trên…. Và gần 12.000 người chết trong các vụ tai nạn giao thông khác tại Việt Nam trong một năm. Chắc chắn đây toàn là những cái chết oan khiên tức tưởi thương đau, không những cho người ra đi mà cho cả những người thân còn đang ở lại.
Nhưng cũng có cái chết tràn đầy bi hùng, và tràn trào hy vọng. Đó là cái chết của các vị tử vì đạo. Các ngài chết nhưng không cảm thấy đau đớn, không cảm thấy bi thương sầu thảm. Trái lại, lòng các ngài rộn lên nỗi hân hoan yêu mến, và dạ các ngài sáng lên niềm hy vọng bình an.
- Cái chết của các vị tử đạo là cái chết đầy lòng yêu mến. Trên hết là lòng yêu mến Chúa, Đấng đã mời gọi các ngài làm người và làm con Thiên Chúa….Sau là lòng yêu mến đối với Giáo Hội đã sinh ra và nuôi dưỡng các ngài trong ơn thánh. Và sau nữa là yêu mến cả đối với những người bách hại vì đã cho các ngài cơ hội để làm chứng cho đức tin và dịp may để lãnh triều thiên sự sống mai sau.
Các ngài ra đi mà lòng thanh thoát và thấm đẫm lòng mến yêu, chứ không uất hận như những nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông. Uất hận đối với những tài xế tắc trách ẩu tả và coi thường tính mạng của người khác. Uất hận đối với những chủ xe tham lam bóc lột sức lao động của các tài xế khiến họ vừa lái xe vừa ngủ gục trong tay thần chết. Uất hận đối với những tuyến đường quốc lộ chật hẹp không dải phân cách khiến cho xe cộ đấu đầu nhau gây tan nạn thảm khốc. Uất hận đối với cả những chiếc xe chỉ có duy nhất một cửa ra vào khiến cho nhiều người bị kẹt và chết oan do không tìm được lối thoát….
Cái chết của các vị tử đạo khác hẳn. Khi cổ mang gông, tay bị xiềng đi ra nơi chịu chết, các vị tử đạo luôn cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Lòng yêu thương tha thứ của các vị tử đạo đối với những kẻ đánh đập và giết chết mình cũng xuất phát từ trái tim Chúa Giêsu nơi thập giá đã xin Cha Ngài tha thứ cho những kẻ làm khốn Ngài (x. Lc 23,34) .
Quả thế, các ngài đã không xem việc tử đạo như là một cực hình đau khổ, nhưng lại coi đó như một quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa đã ưu ái ban phúc cho mình, nên cương quyết dành lấy nhành lá vạn tuế khải hoàn. Chính vì thế, Giáo Hội luôn coi việc tử đạo như một ân huệ lớn lao và là một bằng chứng cao cả về đức ái.
Những sự lạ lùng và sức mạnh siêu vời của các vị tử đạo như trên, khác hẳn với anh hùng thế gian. Đức Piô XII trong thông điệp nói về trái tim Đức Giêsu đã viết: “Chính tình yêu siêu nhiên của trái tim Đức Kitô và của Thần Khí Ngài mang cho các vị tử đạo lòng can đảm anh dũng đến chết trong máu đào”.
Thiên Chúa đã chúc phúc cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam, như Kinh Thánh nói : “Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho các con trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Nói cách khác, chính cái chết vì Chúa và vì Tin Mừng đã đưa các ngài lên đài cao vinh quang nhận lãnh vương miện của người chiến thắng. Nhưng không phải vương miện hay hư nát, mà là vương miện bất hoại, vương miện trường tồn vĩnh cửu.
- Cái chết của các vị tử đạo cũng là cái chết tràn trào niềm hy vọng. Trong giờ kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6/11 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nói rằng sự khác nhau giữa những người tin và không tin về sự chết “là quyết định dứt khoát”. Bởi vì những người tin vào Thiên Chúa là những người được Yêu “sống và chết trong hy vọng”, giống như một ngọn đèn qua đêm sau khi chết và vươn tới sự ngợi khen vô bờ của cuộc đời.
Thiết tưởng những lời trên đây của Đức Thánh Cha là rất phù hợp khi nói đến cái chết của các vị chứng nhân tử đạo. Quả vậy, bị lăng nhục, hành hạ, tra tấn và bị kết án tử, nhưng các vị tiền bối tử đạo vẫn khẳng khái hiên ngang, vui tươi, bình an và chứa chan hy vọng về một cuộc sống bất diệt. Các ngài nhẫn nại và can trường trong đau khổ vì đã có được Đức Kitô là nền tảng đích thực của niềm hy vọng hằng sống: “Các con hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Thánh Bảo Tịnh đã nói lên điều xác tín đó: “Giữa cơn bão táp của bách hại, tôi đã thả một cái neo vào tận ngai Thiên Chúa, đó là niềm hy vọng sống động trong lòng tôi”.
“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, các vị tử đạo đã trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, là dấu chỉ hy vọng cho thế giới, khi lấy chính cái chết của mình diễn tả chân lý về sự sống bất diệt và hạnh phúc trường cửu ở nơi Thiên Chúa.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trở nên hạt giống được gieo vào lòng đất, chịu mục nát, thối rữa, để có thể trổ sinh vô số bông hạt đức tin, đúng như lời thánh giáo phụ Tertulianô đã nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống đức tin”. Các ngài là những chứng nhân đã gieo hạt giống ân sủng trong nước mắt, để hôm nay hứa hẹn một mùa thu hoạch dồi dào. Tất cả những gian lao đau khổ, máu và nước mắt của các vị tử đạo hướng đến mùa lúa vàng của Thiên Chúa, trên cánh đồng Giáo Hội: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo. Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,5-6).
Ngày nay, Cây Đức Tin của Giáo Hội Việt Nam đã đâm rễ sâu trong lòng đất Việt, được nuôi dưỡng bằng mầm đất thấm máu các vị tử đạo, cây đó đang lớn mạnh, cành lá sum xuê, hoa trái dồi dào, khác nào cây trồng bên suối nước được diễn tả trong sách Khải huyền : “Những chòm cây hằng sống, có quả mười hai lần, mỗi tháng một lần”.
Là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta có hãnh diện hay không? Nhất là chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là con cháu các ngài hay chưa ?

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thành Long


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét