Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

23 tháng 11, 2011

Khát vọng Chúa

Chúa nhật I mùa Vọng là Mùa Xuân Phụng Vụ, là Tết Công giáo, khởi đầu một khoảng thời gian mong chờ Ngôi Hai giáng thế để giao hòa trời đất và cứu độ nhân loại. Bắt đầu năm Phụng vụ mới cũng là lúc đất trời vào Đông, chút se lạnh buổi sáng chợt khiến lòng người lắng xuống, một cảm giác lạ, chút bâng khuâng thường có trong sự chờ đợi, nhưng với người Công giáo thì sự chờ đợi đó mang ý nghĩa linh thiêng: Khát vọng Chúa.

KHÁT VỌNG
Nắng lâu ngày hóa hạn hán, không khí oi bức, đất đai khô cằn, cây cối héo úa,… Vì thế mà mọi vật đều khao khát mưa. Khao khát và mong chờ. Cuộc đời luôn có vô số điều khao khát khiến chúng ta mong chờ nối tiếp mong chờ. Càng mong chờ càng khao khát: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại” (Is 63:17).
Điệp khúc “cầu mưa” không ngừng vang lên từ tâm hồn mọi người, nhưng người Công giáo mong một loại Mưa “viết hoa”, Mưa đặc biệt: Mưa Hồng ân, Mưa Cứu Độ, Mưa Giêsu Kitô. Như vậy, cầu nguyện là trách nhiệm chung, và cũng là riêng của mỗi người. Khi cầu nguyện, có thể chúng ta cảm thấy như không có gì biến chuyển, nhưng chính lúc “không thấy động tĩnh gì” mới là lúc cầu nguyện hiệu quả. Thực ra không phải không có gì xảy ra, vì thánh Phaolô xác định: “Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1:7). Thật vậy, “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:9). Ngài là Thiên-Chúa-Tình-Yêu, chắc chắn Ngài không thể bỏ mặc chúng ta trong nỗi khao khát và mòn mỏi mong chờ điều thiện hảo.
Trong đời thường, người ta thường nói: “Không còn tình cũng còn nghĩa”, đôi khi cái nghĩa còn trọng hơn cái tình. Cũng với tâm tình đó, tác giả Thánh vịnh đã van xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (Tv 80:15).
Không phải Chúa “ác ý” hay “đùa dai”, mà Ngài muốn chúng ta thực sự đừng xao lãng khi mong chờ, nghĩa là phải toàn tâm toàn ý với Ngài, khát khao Ngài thành tâm chứ không “bắt cá hai tay”, đồng thời nhận ra “khoảng trống vắng” trong lòng mình như hai người yêu nhau và tương tư nhau, để rồi khấn hứa với Chúa: “Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài” (Tv 80:19).
Khi khao khát điều gì thì người ta luôn hy vọng và mong chờ, mà mong chờ thì phải tỉnh thức. Đó là quy trình rất tự nhiên vậy.
TỈNH THỨC
Phúc âm Chúa nhật I mùa Vọng, năm B, Giáo hội dùng trình thuật Mc 13:33-37 (tương tự Mt 24:36-44), kể chuyện một người trẩy phương xa, để lại nhà cửa và tài sản, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.
Chỉ trong một đoạn Phúc âm ngắn, gồm 5 câu, mà Chúa nhắc tới việc canh thức hoặc tỉnh thức tới 4 lần:
– Phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến (Mc 13:33).
– Phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng (Mc 13:35).
– Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ (Mc 13:36).
– Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải canh thức! (Mc 13:37).
Điều đó chứng tỏ Chúa nhắc nhở chúng ta: “Cẩn tắc vô ưu”. Nghe nói canh thức hoặc tỉnh thức, chúng ta thấy có vẻ “nghiêm trọng” hoặc cho là “đao to, búa lớn”, nhưng thực ra cũng rất tự nhiên. Hàng ngày có rất nhiều điều khiến chúng ta phải coi chừng – tức là canh chừng, canh thức hoặc tỉnh thức: Người mẹ vừa làm việc vừa phải trông chừng đứa con kẻo nó té xuống ao; người bà phải trông chừng đứa cháu kẻo nó té vô nồi nước sôi bà vừa nấu sôi; bạn để chiếc điện thoại trên bàn cũng phải “mắt trước, mắt sau” khi chạy vô nhà trong lấy vật gì đó; dùng bếp ga cũng không biết nó “thở mạnh sảng” lúc nào; bạn đi đường luôn phải “mở mắt to” vì tai nạn luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; dù chỉ là đóng một cây đinh thì bạn cũng phải coi chừng búa đập vào tay; và còn vô vàn những thứ rất đời thường như vậy mà người ta luôn phải tỉnh thức…
Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cụ thể: Chủ về và kẻ trộm.
Không ai biết chủ về lúc nào, dù chủ có gọi điện báo trước là 3 giờ về thì cũng không biết kém mấy phút hoặc hơn mấy phút, nhất là đường xá dễ kẹt xe như ngày nay, ngay cả máy bay cũng thường xảy ra trường hợp phải hủy chuyến bay vì lý do này hoặc nguyên nhân nọ. Nghĩa là khó có thể chính xác thời gian, mà khi người ta buồn ngủ rồi thì chỉ lệch 1 giây cũng có thể ngủ quên và chủ sẽ bắt gặp đầy tớ đang say giấc. Không thể tự biện hộ!
Còn kẻ trộm hoặc kẻ cướp thì càng bất ngờ và nguy hiểm hơn, khỏi phải nói. Chỉ trong nháy mắt có thể tiêu tan cả sự nghiệp hoặc nguy hiểm tính mạng, nhất là xã hội ngày nay cướp giật như rươi, vì “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2: 7).
Nói chung, lúc nào cũng có thứ để chúng ta phải tỉnh thức, thâm chí (nói có vẻ tiêu cực) vợ chồng cũng còn phải “canh chừng” nhau kia mà!
Điều tỉnh thức quan trọng nhất là “không biết giờ nào Con Người đến”, tức là Giờ Cánh Chung, thời điểm Chúa Quang Lâm. Nhưng tận thế có 2 chiều kích: Tận cùng thế gian và tận cùng đời mình. Tận thế thì quá hiển nhiên, nhưng liệu chúng ta có được diễm phúc chứng kiến giây phút trọng đại đó? Nhưng “tận thế đời mình” thì ai cũng đích thân chứng kiến, đó là lúc trút hơi thở cuối cùng. Biết rằng ai cũng chết, bệnh cũng chết mà không bệnh cũng chết, thế mà người ta vẫn sợ. Vì thế mới phải tỉnh thức! Mong chờ sẽ là niềm vui nếu chúng ta quan niệm rằng “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1:21).
Chuyện xưa kể rằng…
Trước khi chết, ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán:
1. Quan tài của ngài phải được chính các vị ngự y giỏi nhất khiêng đi.
2. Tất cả vàng bạc châu báu của ngài phải được rải dọc con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài.
3. Đôi bàn tay ngài phải được để thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một cận thần rất đỗi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này nên hỏi ngài tại sao ngài lại muốn như thế. Ngài Alexander giải thích:
1. Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ – dù là những người tài giỏi nhất – cũng không có tài nào cứu chữa.
2. Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để mọi người thấy rằng của cải vật chất mà ta gom góp được ở trên thế gian này sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời.
3. Ta muốn bàn tay của ta đong đưa ngoài quan tài để mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng thì khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là Tình Yêu Thương. Thánh Phaolô đã minh định: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13).
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14:6), xin giúp chúng con biết ngưỡng vọng Chúa, kiên trì tỉnh thức và hạnh phúc mong chờ Ngôi Hai đến. Chúng con cầu xin nhân Danh Ngôi Lời. Amen.

TRẦM THIÊN THU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét