Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

22 tháng 11, 2011

NHÂN QUẢ

Chúa Nhật XXXVI Thường Niên A Lễ Chúa Kitô Vua: Ed 34, 11-12.15-17; 1Cr 15, 20-26.28; Mt 25, 31-46

Thời Đường có một vị cao tăng là Ngộ Đạt gặp một nhà sư đang bị bệnh tại một ngôi chùa. Nhà sư ấy trên người đang bị lở loét, bốc mùi hôi thối, ai cũng lo tránh cho xa. Chỉ có một mình Ngộ Đạt thương xót, chăm sóc cho ông, và bệnh tình của nhà sư cũng đã dần dần khá lên. Lúc chia tay, nhà sư cảm kích nói với ông: “Sau này nếu như ông gặp nạn thì có thể tới Tứ Xuyên, Bành Châu, Cửu Lũng Sơn tìm tôi. Trên núi đó có một đám cây tùng làm mốc đánh dấu chỗ tôi ở”. Nói xong nhà sư bệnh  rời đi.
Nhờ Đức hạnh cao thâm, Ngộ Đạt được Đường Ý Tông tôn kính và phong làm quốc sư. Nhưng một ngày, trên đầu gối của Ngộ Đạt quốc sư tự nhiên mọc ra một vết loét có hình mặt người, đầy đủ cả mắt mũi miệng. Mỗi lần lấy thức ăn nước uống đút cho thì nó đều có thể mở miệng ra ăn uống hệt như người. Nhiều lần Ngộ Đạt thỉnh mời các vị danh y tới chữa trị nhưng tất cả đều bó tay. Vị quốc sư đột nhiên nhớ lại lời dặn dò của nhà sư bệnh lúc chia tay, nên bèn lên đường vào núi tìm kiếm. Cuối cùng vào lúc trời nhá nhem tối, Ngộ Đạt tìm được mấy đám cây tùng cao vút tận mây. Còn vị tăng kia đã đứng ở trước một cung điện lớn bằng vàng và ngọc bích huy hoàng tráng lệ, chờ đợi ông. Vị tăng ấy ân cần tiếp đãi Ngộ Đạt quốc sư và giữ ông ở lại đó. Ngộ Đạt quốc sư bèn kể về căn bệnh kỳ quái và nỗi thống khổ của bản thân, vị tăng kia nói: “Không cần phải vội, ở dưới núi đá lởm chởm này có dòng suối trong vắt, đợi đến sáng sớm ngày mai ông tới đó dùng nước suối ấy rửa thì sẽ khỏi bệnh thôi”.
Hôm sau khi bình minh ló rạng, Ngộ Đạt quốc sư tới dòng suối trong vắt ấy,  vốc nước để rửa, đột nhiên nghe thấy vết loét mặt người kia lại mở miệng kêu to: “Khoan hãy rửa đã! Ông có tri thức uyên thâm, thông kim bác cổ, nhưng không biết là ông đã đọc câu chuyện về Viên Áng và Triều Thác trong sách “Tây Hán thư”, hay chưa?”. Ngộ Đạt quốc sư trả lời: “Đã từng đọc qua rồi!”. Vết loét mặt người nói: “… Kiếp trước ông chính là Viên Áng, còn Triều Thác chính là ta. Lúc đó ông tâu lời sàm ngôn với Hoàng đế, hại ta phải bị chém ngang lưng tại Đông Sơn. Mối thù sâu hận lớn này, ta suốt mấy kiếp liền đều tìm kiếm cơ hội trả thù, nhưng vì suốt 10 kiếp ấy ông đều là một vị cao tăng, vả lại giữ gìn giới luật nghiêm cẩn, khiến ta không có cơ hội để báo thù. Lần này ông được Hoàng thượng quá sức sủng ái cho nên tâm danh lợi đã động, đạo đức có chỗ tổn khuyết cho nên ta có thể đến gần ông tìm cách trả thù. Hiện giờ nhờ có tôn giả Mông-già-nhược-già (hóa thân làm vị tăng bị bệnh ngày trước) ban cho ta nước phép tam muội, giải thoát cho ta. Thù xưa giữa chúng ta đến đó cũng đã được giải rồi!”. Sau khi nghe xong, Ngộ Đạt quốc sư bất giác rùng mình kinh ngạc, vội vàng vốc nước rửa vết thương. Ông cảm thấy đau đớn thấu xương và ngất xỉu. Sau khi tỉnh lại, vết loét đã biến mất, ông quay đầu lại nhìn thì cung điện vàng ngọc lộng lẫy kia cũng đã không còn dấu tích đâu nữa (câu chuyện theo Minh Huệ)
Đó là câu chuyện nhân qủa trong nhà Phật : đời sau là kết quả của đời hôm nay, mọi việc lành dữ của con người đều gây ra những hậu quả tốt xấu theo quy luật nhân quả, không có ai xét xử hay luận phạt, chỉ có quy luật nhân-duyên-quả tác động một cách thích hợp, Theo Kitô giáo, Thiên Chúa là Ðấng cầm cân nảy mực xét xử mọi việc làm và thưởng phạt công bằng là Đức Giêsu được  Tin Mừng Mt 25, 31-46 trình bày như “Đức Vua” xét xử công minh trong ngày phán xét, mọi người bị phán xét thì thưa với Người là “Lạy Chúa”, tước hiệu mà Giáo hội sơ khai tôn vinh Đức Kitô vinh hiển khi Người phải trở lại trong ngày tận thế.
Đấng phán xét đến trong uy quyền như “Con Người”, nhân vật huyền bí của các sách Khải Huyền của Do Thái (như trong Daniel 7) ngự đến thi hành phán xét “các dân thiên hạ”, việc đặc quyền chỉ thuộc về Thiên Chúa. Việc phán xét còn được mang hình ảnh như “Mục tử”  mà ngôn sứ Ezéchiel loan báo: Người đến thi hành việc phân lựa, Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê (x. Ed 34, 17), như Chúa Giêsu nhấn mạnh: chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái.
 “Ở nước Palestine người ta chăn chiên chung với dê là chuyện thường; nhưng đến chiều, người chăn tách chiên ra để ở một nơi kín đáo hơn”. Vì chiên có giá trị hơn dê nên chúng ta hiểu tại sao, trong dụ ngôn, chúng được đứng bên hữu Đấng Thẩm phán cánh chung (bên hữu là chỗ danh dự). Đấng Phán xét tách rời người lành thánh và người dữ như mục tử tách chiên và dê. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng trong Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau - không phân biệt được - trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: “cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm”  ( x. Mt 13,30).
Vua ngự đến và "Các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Người": Đây là một cuộc phán xét phổ quát. Tất cả mọi người thuộc tôn giáo, chủng tộc hay mọi nền văn hóa mọi quốc gia, Chúa Kitô-vua triệu tập tất cả  trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Ngài sẽ xét xử và đưa các công dân xứng đáng vào Vương Quốc Cánh Chung. Chỉ những ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11). Ai tin, yêu và giữ lời của Ngài thì được cứu: Đó là chu toàn Luật Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong giới răn trọng nhất: Giới răn yêu thương. Vương quốc của "Tình Yêu" : công bình và bác ái ngự trị. Chỉ có ai sở hữu Tình yêu và thể hiện qua từng hành động, từng lời nói mà chúng ta chỉ thấy sứ điệp mà Ngài loan báo khi còn ở dưới thế :  sứ điệp "Yêu Thương". Đức Kitô đến xét xử theo lòng nhân ái của mọi người. Ngài đến phân rẽ nhân loại thành hai bên tả : những người sống không yêu thương và bên hữu  - những người sống trọn bác ái yêu thương  (x. Mt. 25, 31-46). Chính trong yêu thương Vua Kitô trở nên như những kẻ bần cùng,  thực sự chịu đau khổ như mọi người phải chịu, Ngài trở nên một với họ. Chính vì lẽ đó, Ngài hé mở bí nhiệm tình yêu này: "Ta đói... khát... ốm đau... là khách lạ", cho nên ai tiếp đón hay không tiếp đón anh em cùng khổ la tiếp đón hay không tiếp đón chính Ngài.
Vua Tình yêu xét xử và dẫn vào Vương Quốc Ngài những người sinh và sống trong tình yêu: như là luật nhân quả: đời này là nhân, đời sau là quả: nhân nào sinh quả nấy, cây nào sinh trái nấy, “cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7, 17-18). Người làm tốt sẽ được thưởng, người làm điều xấu sẽ bị phạt như thư Rôma và sách Khải huyền viết: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm” (Rm 2, 6; Kh 2, 23). Chính vì lẽ đó, hôm nay trên dương thế đang hướng về Vương Quốc Tình Yêu, mà Vua Kitô sẽ đến, chúng ta mang tâm tình của Bossuet: “Chúng ta hãy bắt đầu kể từ cuộc sống này những gì mà chúng ta làm trong sự vĩnh cửu. Hãy bắt đầu cởi bỏ những ham muốn bất xứng và sống theo phần thánh thiêng bất diệt thuộc về Thiên Chúa đang hiện diện trong chúng ta”. Thánh thiêng trong chúng ta là nếp sống yêu thương, sẻ chia. Thánh thiêng là sống trên trần thế, chúng ta luôn tâm niệm :
"Ôi lạy Chúa, trên trần gian các dân tộc xâu xé, các vua chúa sụp đổ, chỉ có mình Ngài mới trường tồn bất biến. Không một thế lực nào có thể lật đổ ngai tòa của Ngài"
                                                                    ( Chateaubriand, thi sĩ nổi tiếng người Pháp).
                                                  Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 19/11/2011



Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét