Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

10 tháng 12, 2012

Sám hối nhằm mục đích gì?

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG - NĂM C Suy niệm Tin Mừng Lc 3, 1-6

Xem ra tác giả Lu-ca đã quá trang trọng tới độ không cần thiết khi đặt những lời rao giảng không có gì là đặc sắc của Gio-an Tẩy Giả trong một khung cảnh lịch sử quá ư rạch ròi. Gioan chẳng qua cũng chỉ lặp lại, hay nhắc nhở dân chúng về cái sứ điệp quen thuộc mà I-sai-a và nhiều ngôn sứ khác đã từng hô hào: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa!” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa biểu lộ lòng sám hối để được ơn tha tội. Nếu sứ điệp chỉ có thế thì có chi là đặc sắc mà phải làm to chuyện? 
Qua khám phá những di tích khảo cổ nổi tiếng ở vùng sa mạc Kum-ram bên bờ Biển Chết, người ta cho là Gio-an thuộc nhóm ẩn sĩ Ét-sê-ni sống trong một tu viện gần đó. Làm phép rửa để tỏ lòng sám hối là một nghi thức được cử hành hầu như hàng ngày trong tu viện. Do đó nhiều tác giả cho rằng chẳng qua Gio-an chỉ muốn phổ biến thói tục này trong dân chúng trong bối cảnh chờ mong đấng Thiên Sai. Trước Gio-an, tiên tri Gio-na cũng đã từng làm một công tác đại loại như thế với dân thành Ni-ni-vê. Lời cảnh tỉnh của cả hai đều mang cùng một nội dung là kêu gọi sám hối hầu tránh khỏi cơn thịnh nộ giáng phạt của Thiên Chúa. Có thể Gio-an đã tiến thêm một bước nữa khi liên kết việc sám hối, biểu lộ qua nghi thức dìm mình xuống dòng sông, với việc được ơn tha tội. Ngôn sứ I-sai-a cũng đã từng bóng gió về thời đại của đấng Mê-si-a “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Nhưng ơn cứu độ đó hệ tại ở điều gì thì mỗi người Do Thái đều có ý kiến riêng rất khác nhau. Tác giả Lu-ca coi lời kêu gọi sám hối của Gio-an có tầm quan trọng đặc biệt, chính vì cái ý nghĩa tha tội của Tin Mừng, điều mà có lẽ ngay cả Gio-an lẫn các vị ẩn sĩ Ét-sê-ni ở Kum-ram cũng chưa chắc đã biết tới. Sau này khi Đức Giê-su xuất hiện, Người cũng kêu gọi sám hối, nhưng đồng thời xác định rõ nội dung: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)… “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến!”(Mt 4,17). Như vậy đã quá rõ, đối với Lu-ca ‘ơn tha tội’ chính là Tin Mừng, đồng thời cũng chính là Nước Trời. Đối với ông, cũng như đối với mọi môn đệ Đức Giê-su, điều này quả là quan trọng, quan trọng tới độ ông phải lồng lời rao giảng sám hối của Gio-an vào một khung cảnh lịch sử thật cụ thể và rõ ràng.
Qua điều này ta nghiệm ra nội dung xác thực của từ ngữ ‘Tin Mừng’ hay ‘Nước Thiên Chúa’; đó chính là Thiên Chúa tha thứ, là Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân ái của Người. Việc sám hối tức là nhìn nhận mình tội lỗi (hay nhìn nhận mình đích thực là một tội nhân) là điều kiện tiên quyết để ‘tin vào Tin Mừng’, để đi vào ‘Nước Trời’; nói cách khác là để đón nhận lòng Chúa thương xót được diễn tả nơi Thập giá Đức Ki-tô. Sẽ không thể có ơn cứu rỗi (hay tin vào Tin Mừng - đón nhận Nước Trời) mà không có sám hối. Ai tự cho mình là tốt lành, là nhân đức sẽ không thể sám hối và do đó cũng không bao giời có thể đón nhận Tin Mừng hay vào Nước Trời. Mối phúc đầu tiên“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) sẽ là đương nhiên thôi, nếu ta hiểu ‘tâm hồn nghèo khó’ chính là cõi lòng sám hối, là thâm sâu nhìn nhận sự yếu hèn tột cùng của mình. Khó nghèo mang ý nghĩa thiêng liêng Tin Mừng, trước cả nội dung kinh tế, xã hội hay khổ chế. Thánh Âu-Tinh, trong kinh nghiệm bản thân, đã gọi chính các tội ngài từng phạm thời niên thiếu là ‘tội hồng phúc’, chỉ vì chúng đã làm cho ngài biết mình hèn kém để có thể nghiệm ra lòng từ bi vô hạn của Thiên Chúa. Phao-lô cũng thừa nhận mình yếu đuối, nhưng là để thấy rằng mình được nên mạnh mẽ trong đức Ki-tô. Điều này cũng chỉ ra rằng: điều quan trọng nhất khi sám hối (cả trong lẫn ngoài Bí Tích Cáo Giải) không nhất thiết phải là quyết tâm tránh tội hay sửa mình, tức dán cặp mắt lương tâm vào chính mình, mà là cảm nhận cách sâu xa hơn lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, tức là nhìn vào Chúa và chiêm ngắm lòng thương xót thứ tha của Người. Phải chăng đó chính là ‘ăn năn tội cách trọn’ mà ta đã từng được dạy từ thời tấm bé? Phải chăng đây chính là nội dung sứ điệp sám hối của Gio-an Tẩy giả, một sứ điệp có tầm quan trọng lịch sử, rất đáng được Phúc Âm Lu-ca trân trọng đề cao vì gắn liền với việc Hài Nhi Giê-su giáng sinh sau này?
 
Lạy Chúa, xin mở lòng cho con biết đón nhận sứ điệp sám hối mà Gio-an đã rao giảng. Sám hối để không mạc cảm nhìn vào mình, nhưng là ngước mắt nhìn lên Chúa với lòng đầy cậy trông và hy vọng vào Tin Mừng tình yêu tha thứ. Trong Mùa Vọng này xin cho con có cảm nghiệm sâu xa về con người thấp hèn của mình, qua chính các tội lỗi mà con đã từng phạm, để tâm hồn con rộng mở đón nhận Hài nhi Giê-su giáng sinh, Người là biểu hiện vĩ đại nhất của tình yêu Thiên Chúa thứ tha. Xin đón nhận con vào Nước Trời chính trong tình trạng nghèo hèn nhất của mình, để con càng có khả năng ca tụng tình thương hải hà Chúa đến muôn đời. Amen
 
 
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét